Giáo dục thể chất trong nhà trường đang trong tình trạng dạy và học để thi chứ không phải để trang bị kiến thức nên môn thể dục từ trước đến nay và luôn được coi là môn phụ. Đương nhiên, môn này học sinh sẽ không học hoặc học cầm chừng để… cho có
Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch hội Khoa học giáo dục Tâm lý Hà Nội về vấn đề này.
TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch hội Khoa học giáo dục Tâm lý Hà Nội
Cả ba thứ đều thiếu
PV: Có ý kiến cho rằng, môn giáo dục thể chất trong nhà trường hiện nay đang bị bỏ ngỏ và không được coi trọng. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Thực ra, trong phát triển của con người cần cân đối giữa phát triển thể chất và tinh thần. Trong phát triển nhân cách người ta cũng nhấn mạnh phát triển thể chất. Đặc biệt, trong chương trình phổ thông mới cũng có nói như vậy. Vấn đề là môn thể chất này cho từng cấp học đã phù hợp chưa, đã giúp cho việc phát triển nhân cách cũng như thể chất đã tốt chưa? Đó là câu hỏi đặt ra và cần giải pháp chứ không nên nói môn giáo dục trong nhà trường là không quan trọng được.
PV: Vậy theo ông, chương trình học của môn giáo dục thể chất trong nhà trường đã phù hợp chưa?
Có hai điều tôi muốn nói. Thứ nhất, chúng ta vẫn chưa coi trọng môn này một cách đích thực. Vậy coi trọng là thế nào? Theo tôi, phải biến yêu cầu giáo dục thành nhu cầu của học sinh chứ không phải như bố mẹ chỉ cần cho con đi học thêm các môn văn hóa như Văn, Toán, Lý, Hóa Chúng ta phải biết được giá trị của môn này là song song với phát triển trí tuệ là có sự phát triển về thể chất. Nếu con người không khỏe về thể chất thì làm sao khỏe mạnh về tâm hồn được. Và vấn đề phát triển sinh học là phát triển phải cân đối.
Dạy thể dục không chỉ là hoạt động về thể lực mà quan trọng là phải tạo cho các em ý thức tự bảo vệ thân thể, tự rèn luyện sức khỏe cho bản thân. Còn bây giờ chỉ học một tiết hay hai tiết thì ăn thua gì.
Bản thân các trẻ mầm non đến tiểu học có một yêu cầu vận động để đáp áp ứng nhu cầu phát triển. Rồi đến cấp THCS, lúc các em cơ thể có sự phát triển đột biến cần có hoạt động thể chất tương xứng, hợp lý. Mỗi một giai đoạn của trẻ cần có nhu cầu khác nhau nên các nước trên thế giới họ rất chú ý và nghiên cứu kĩ đến vấn đề này.
Thứ 2, chúng ta có ba thứ đều yếu: Chương trình nghiên cứu về nó không đầy đủ, đào tạo giáo viên không theo mục tiêu và cơ sở vật chất của mỗi nhà trường đáp ứng nhu cầu của trẻ là thấp, có gì dùng nấy, không đặt nhu cầu phát triển của trẻ.
Học 1,2 tiết chả ăn thua gì
PV: Vậy với cơ sở vật chất các trường đều chật và thiếu như hiện nay thì theo ông làm sao để môn học này sẽ hiệu quả?
Hiện nay, trường tôi (trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng) khó khăn về cơ sở vật chất, sân bãi không đáp ứng nên chúng tôi cho học sinh học võ để các em có được cả thể lực và trí tuệ cân đối.
Tháng 7 hàng năm, trường không bắt học sinh học văn hóa mà để ưu tiên cho học sinh thích môn thể thao nào thì đăng ký thành lập lớp riêng với nhau. Tháng đó sẽ tập trung vận động để đáp ứng yêu cầu sở thích của học sinh, phát triển thể lực. Dạy thể dục không chỉ là hoạt động về thể lực mà quan trọng là phải tạo cho các em ý thức tự bảo vệ thân thể, tự rèn luyện sức khỏe cho bản thân. Còn giờ học một tiết hay hai tiết thì ăn thua gì.
Giáo dục thể chất chưa đáp ứng đúng vai trò của nó phải có trong nhà trường. Bản thân các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh chưa nhận thức phát triển thể chất cũng quan trọng và cần cân đối với phát triển về trí tuệ và tình cảm.
PV: Vậy theo ông, chương trình môn giáo dục thể chất như hiện nay cả tuần chỉ có 2 tiết là quá ít?
Không nói ít nhiều ở đây vì thực ra bao nhiêu là đủ? Triết lí phát triển thể chất của chúng ta hiện không rõ ràng. Không phải lấy nhiều giờ ra để làm được. Nếu mà nhà trường có cơ sở vật chất rộng, thì học sinh sau khi học xong có thể ở lại được hoạt động thể chất thì hiện nhiều trường không bảo được. Vì thế, cơ sở vật chất chỉ là điều kiện cần còn học sinh phải có ý thức tự giác trong việc phát triển thể lực của chính mình.
Chúng tôi thiếu cơ sở vật chất. Vì thế, nếu các em muốn chơi các môn yêu thích là bóng rổ, bóng đá,… thì phải thuê địa điểm ở ngoài.
PV: Vậy quan điểm của ông về việc dạy các môn giáo dục thể chất trong nhà trường?
Bộ môn văn hóa rèn cho các em kiến thức để hiểu biết về kĩ thuật, khoa học bên cạnh đó cũng cần rèn luyện cả kiến thức về nghệ thuật, thẩm mỹ, thể chất.
Tuy nhiên, hiện nay giáo dục thể chất chưa đáp ứng đúng vai trò của nó phải có trong nhà trường. Bản thân các thầy cô giáo, phụ huynh chưa nhận thức phát triển thể chất cũng quan trọng và cần cân đối với phát triển về trí tuệ và tình cảm.
Quan điểm chỉ chăm chăm đến học các môn văn hóa mà bỏ quên các môn thể chất là quan niệm lạc hậu, lệch lạc. Nếu không biết phát triển thể chất thì thật là đáng nguy hại. Hiện nay, chúng ta có thể thấy được một bộ phận học sinh béo phì, cận thị, vẹo cột sống vì không biết rèn luyện thường xuyên.
Nhiều bố mẹ chỉ mải lo cho đi học thêm các môn văn hóa mà không để ý đến con cũng cần đủ thời gian vận động. Những gia đình hiểu biết thì chú ý đến điều này. Còn các gia đình khác thì cứ quán tính mà thôi.
PV: Vậy việc học qua loa như hiện nay đang thực sự phí phạm. Vậy làm sao để cải thiện tình hình này, thưa ông?
Các nhà trường phải làm được việc truyền cảm hứng học thể chất tới các em học sinh, cho các em tự học tập và tự rèn luyện bản thân. Học thể chất là tùy vào hiệu quả của nó chứ không phải thời gian của nó. Cách làm thế nào hợp lý để chuyển tải đến học trò mới là quan trọng. Chứ không phải cái gì quan trọng thì đều học hết thì học sinh sẽ không “tải” được.