Hôm qua, 20/4, là ngày cuối cùng thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển Đại học (ĐH). Kết quả dữ liệu của Bộ GD&ĐT công bố cho thấy, tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển ĐH năm nay cao hơn năm trước. Tỷ lệ thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội (KHXH) cao hơn so với bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN). Vì sao có sự “đảo chiều” này so với 2 mùa thi THPT quốc gia vừa qua?
75% thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH
Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH chiếm khoảng 75%, cao hơn năm ngoái 8% (năm 2016, tỉ lệ này là 67%). Ở một số địa phương, năm trước, tỷ lệ thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp khá cao thì năm nay đã giảm rõ rệt. Trong số này phải kể đến Nghệ An.
Năm 2016, Nghệ An có 44% học sinh lựa chọn thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, năm nay, con số này là 34.8% (giảm gần 10%). Năm 2016, Nghệ An cũng từng nổi lên như một “hiện tượng” khi có những trường THPT, trung tâm GDTX có tới 90% học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT.
Tỉnh Hòa Bình năm 2016 cũng có tới 60% học sinh thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp. Nhưng năm nay, con số này đã giảm. Ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH đã tăng lên 10%.
Tôi khẳng định rằng, vấn đề phân luồng ở Việt Nam cho đến giờ chưa giải quyết được, vẫn tắc suốt 20 năm nay” – TS Lê Viết Khuyến
Nhận định về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, Bộ GD&ĐT đã “mừng quá sớm” khi cho rằng năm 2016 tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH tăng lên là đã phân luồng tốt. “Tôi khẳng định rằng, vấn đề phân luồng ở Việt Nam cho đến giờ chưa giải quyết được. Vẫn tắc suốt 20 năm nay” – TS. Khuyến nói.
Trong khi đó, một chuyên gia tuyển sinh của một trường ĐH cho rằng năm nay kỹ thuật tuyển sinh thay đổi nên số liệu tăng không nói lên điều gì nhiều. “Những năm trước, đăng ký thi là để xét tuyển nhưng các trường vẫn có chỉ tiêu tuyển sinh xét tuyển riêng. Năm nay, về cơ bản, thí sinh hiểu là xét tuyển tập trung, được đăng ký thoải mái nguyện vọng và không còn cụm thi ĐH. Nên thí sinh đăng ký thoải mái hơn” – vị chuyên gia này cho hay.
Có mừng “hụt”?
Theo Bộ GD&ĐT, nhiều năm trước cứ mỗi lần đến mùa thi thì dư luận xã hội lại băn khoăn việc có ít thí sinh chọn thi các môn xã hội. Nhiều phòng thi chỉ có một vài thí sinh thi môn Sử khiến xã hội lo lắng.
Nhưng kết quả đăng ký dự thi năm nay đã cho thấy bức tranh hoàn toàn khác: thí sinh chọn bài thi KHXH cao hơn bài thi KHTN mặc dù khi đăng ký xét tuyển vào ĐH, khối ngành tự nhiên vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo so với khối ngành xã hội.
“Đây là tín hiệu tích cực vì với việc đăng ký chọn bài thi KHXH, các em phải dành thời gian ôn tập nhiều cho các môn này. Vì thế, việc học cũng toàn diện hơn, không chỉ nghiêng về một vài môn mà các em xác định dùng để xét tuyển ĐH theo các khối xét tuyển truyền thống như trước. Sự thay đổi theo chiều hướng tích cực này rõ ràng có tác động không nhỏ của việc đổi mới thi/tuyển sinh nói chung và đổi mới phương thức thi, cấu trúc bài thi nói riêng mà Bộ đang tiến hành. Bằng việc đổi mới thi đã tác động tích cực trở lại quá trình dạy học, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, dạy tủ, học tủ hay cắt xén chương trình” – Bộ GD&ĐT khẳng định.
Bức tranh chọn khối xét tuyển đối với ĐH không có nhiều biến động. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển khối truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng cao, trên 80% NV thí sinh đăng ký vẫn là các khối thi A, A1, B, C, D1.
Ở các địa phương vốn có truyền thống chọn các môn KHXH để thi như Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai… thì năm nay, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi tổ hợp KHXH không thay đổi. Nhưng với những địa phương thí sinh vốn chuộng các môn KHTN thì năm nay có nhiều biến động. Tại Đà Nẵng, số lượng thí sinh chọn bài thi tổ hợp KHTN và KHXH gần như tương đương nhau.
Ở các trường THPT, nhiều trường cũng bất ngờ với lựa chọn của thí sinh. Lãnh đạo một trường THPT ở giữa Hà Nội cho biết năm nay tỷ lệ học sinh lớp 12 của trường chọn bài thi KHXH tăng vọt, chiếm tỷ lệ cao hơn cả bài thi KHTN. Nguyên nhân được vị lãnh đạo này giải thích là học sinh chủ yếu chọn xét tuyển ĐH khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ) trong khi đó, để xét tốt nghiệp, bài thi KHTN sẽ khó “nhằn” hơn bài thi KHXH.
Bức tranh chọn khối xét tuyển đối với ĐH không có nhiều biến động. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển khối truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Sau khi Bộ GD&ĐT cho phép các trường được phép đưa ra nhiều tổ hợp mới để xét tuyển, đến nay, có khoảng 200 tổ hợp. Thế nhưng số liệu cho thấy, tỉ lệ thí sinh chọn khối thi truyền thống vẫn chiếm ưu thế. Kết quả thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, trên 80% NV thí sinh đăng ký vẫn là các khối thi A, A1, B, C, D1.
Mặt khác, kết quả thống kê dữ liệu của Bộ cũng cho thấy, dù năm nay không giới hạn số lượng NV đăng ký xét tuyển nhưng thí sinh cũng không đăng ký quá nhiều. Phần đông thí sinh chỉ chọn lựa 4-5 NV xét tuyển. Thậm chí có đến 13% thí sinh chỉ đăng ký 1 NV xét tuyển duy nhất, 30% thí sinh chỉ đăng ký 2 nguyện vọng NV. Điều này cho thấy thí sinh rất có bản lĩnh, xác định được ngành nghề mình yêu thích và quyết tâm theo đuổi.
Theo dữ liệu của Bộ GD&ĐT, kết thúc nộp hồ sơ, trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận được trên 50.000 NV đăng ký. Trong đó 70% là NV1, NV2, NV3. Chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH cho biết việc nhiều NV hay ít NV “đổ” về trường chưa khẳng định được trường đó tuyển sinh sẽ “bội thu” hơn trường khác.
“Quy chế năm nay khuyến khích thí sinh đăng ký NV yêu thích nhất lên trên và không giới hạn NV. Chính vì vậy, nhiều thí sinh không đủ điểm đỗ nhưng vẫn đăng ký ngành yêu thích là NV1. Thế nên, giả sử chỉ tiêu có 5000, NV1 trường nhận được 10.000 thì cũng không chắc trường tuyển đủ. Chỉ đến khi thí sinh biết điểm thi, lúc đó, các em điều chỉnh NV thì các trường mới biết chính xác dữ liệu trường mình thế nào” – ông Điền cho hay.