Truyền nghề nuôi lợn giúp phạm nhân Lạng Sơn làm lại cuộc đời, phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau hơn 3 tháng học tập, rèn luyện, 35 học viên lớp Kỹ thuật chăn nuôi lợn tại Trại tạm giam công an tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành khóa học với kết quả học tập rất khả quan với tỷ lệ 85,7 % xếp loại khá, giỏi. Những lớp học như thế này giúp cho người lầm lỡ tự tin, mai này có công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững.

Sáng 11/11, tại Trại tạm giam công an tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) Cao Lộc phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ bế giảng lớp học nghề chăn nuôi lợn cho các phạm nhân sắp mãn hạn tù.

Truyền nghề nuôi lợn giúp phạm nhân Lạng Sơn làm lại cuộc đời, phát triển kinh tế ảnh 1

Thượng tá Hoàng Văn Chung nhấn mạnh, việc học nghề cho phạm nhân sắp mãn hạn tù để khi tái hòa nhập cộng đồng, mọi người có công ăn việc làm ổn định. Ảnh: Duy Chiến

Truyền nghề nuôi lợn giúp phạm nhân Lạng Sơn làm lại cuộc đời, phát triển kinh tế ảnh 2
Trao chứng chỉ nghề cho các học viên. Ảnh: Duy Chiến

Theo báo cáo, thời gian hơn ba tháng đào tạo, 35 học viên (trong đó có 8 nữ), phần đông trong số này có tuổi đời còn khá trẻ, người dân tộc thiểu số. Sau khóa học, các học viên đều biết áp dụng kỹ thuật, phương pháp chăn nuôi hộ gia đình; biết tận dụng nguồn nông sản sẵn có của gia đình, tạo hiệu quả kinh tế, tiết kiệm được thời gian sức người sức của, an toàn nên dễ dàng tiêu thụ ra thị trường để nâng cao năng suất lao động góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giáo viên Trung tâm GDNN- GDTX huyện Cao Lộc cho biết, với phương châm "cầm tay chỉ việc" cả thầy và trò thực hành trực tiếp trên mô hình chăn nuôi. Qua đó, học viên mở mang những kiến thức ngoài sách vở, giáo trình, từ đó chất lượng và hiệu quả dạy nghề cho các học viên ngày càng được nâng cao.

Học viên Đinh Thị Giang thay mặt lớp học phát biểu cho biết, dù thời gian ngắn nhưng đủ cho các học viên thay đổi về nhận thức trong cách nuôi lợn mang lại hiệu quả cao. Với chứng chỉ nghề trong tay sau khi chấp hành án phạt tù có hành trang cuộc sống, tìm kiếm việc làm để có thu nhập cao cho bản thân và gia đình.

"Trong số những đối tượng lầm lỡ thì nhiều người thuộc diện khó khăn, chính vì vậy, từ những lớp học căn bản, sát thực này để giúp họ vơi bớt tự ti, hòa nhập cuộc sống để nỗ lực vươn lên, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững. Đó là ý nghĩa rất nhân văn mà chúng tôi đã thấm thía được", phạm nhân Đinh Thị Giang chia sẻ.

MỚI - NÓNG