Truy xuất thịt heo: Phó chủ tịch UBND TPHCM nói sẽ làm đến cùng

Truy xuất thịt heo: Phó chủ tịch UBND TPHCM nói sẽ làm đến cùng
TP - Ngày 17/10, trao đổi với Tiền Phong về sự cố “thất thủ” trong ngày đầu thực hiện quy định toàn bộ lợn đưa vào chợ đầu mối phải gắn vòng truy xuất, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết các tiểu thương kinh doanh đều có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm.
Truy xuất thịt heo: Phó chủ tịch UBND TPHCM nói sẽ làm đến cùng ảnh 1

Heo đeo vòng vẫn chưa đảm bảo miếng thịt an toàn khi đến tay người tiêu dùng. Ảnh: P.V.

“Heo có đeo vòng nhưng truy xuất thông tin không được. Mình vẫn cho đưa thịt vô chợ nhưng buộc bà con cam kết hôm sau không được tái diễn như vậy. Họ lỡ một ngày thì mình có thể du di. Và, bà con đã ký cam kết. Qua ngày hôm sau tình hình đã thay đổi theo chiều hướng tốt lên rất nhiều. TPHCM phải kiên quyết, kiên trì thực hiện chứ không bỏ cuộc giữa chừng”, ông Tuyến khẳng định.

Vị tư lệnh lĩnh vực an toàn thực phẩm ở TPHCM thừa nhận đây là việc làm rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì. Cơ quan chức năng vừa phải tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, thương lái, cơ sở giết mổ, vừa phải kiên quyết để bảo vệ người tiêu dùng. Thói quen của các hộ nông dân là chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ. TPHCM tạo mọi điều kiện vận động nhằm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, vừa răn đe, xử lý nghiêm vi phạm bằng cách “siết” đầu vào. Ai không chấp nhận thì theo quy luật sẽ bị đào thải. Vì sức khỏe hàng triệu người dân, TPHCM sẽ kiên quyết làm đến cùng.

Theo ông Tuyến, người chăn nuôi cần sớm nhận ra hướng đi mới, đó là nuôi ít hơn nhưng giá trị đạt cao, lợi nhuận đem lại sẽ cao hơn. Sản phẩm đảm bảo an toàn thì nhu cầu xã hội rất lớn. Chăn nuôi theo kiểu chụp giựt, không bài bản như hiện nay vừa nguy hiểm đến sức khoẻ người tiêu dùng, vừa rủi ro cao, vừa khó bán và về lâu dài sẽ bị xã hội đào thải.

“Thay vì nuôi 10 con không an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng, lợi nhuận không nhiều, rủi ro rất cao… thì có thể chỉ tập trung nuôi một con nhưng bằng công nghệ cao. Chẳng hạn như một số tỉnh phía Bắc bà con nuôi heo bằng thực vật, thảo mộc… thời gian phải từ 6 tháng trở lên mới xuất chuồng được. Đổi lại, sản phẩm thịt heo giá rất cao, hiếm, nhiều người đặt mua không có. Nuôi ồ ạt làm gì, lại còn bơm thuốc an thần vào, rủi ro về sức khoẻ cho người dân rất cao”, ông Tuyến hướng dẫn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương, tại cơ sở chăn nuôi, tỷ lệ lợn đeo vòng kích hoạt có thông tin nguồn gốc trên tổng số heo vào thành phố đạt 98% sau đêm thứ 2 (đêm đầu tiên đạt 88%). Heo vào cơ sở giết mổ đạt 78% vào đêm thứ 2, còn đêm đầu tiên là 57%. Heo vào chợ đầu mối đạt 44% (đêm đầu tiên chỉ đạt 30%). Đây là con số tốt nhất từ khi đề án bắt đầu đến nay.

MỚI - NÓNG