Đeo vòng truy xuất cho lợn để đối phó

Đeo vòng truy xuất cho lợn để đối phó
TP - Đã có trên 80% tổng số lợn thịt đưa vào các chợ đầu mối ở TPHCM được đeo vòng truy xuất nguồn gốc, song chỉ trên 50% số vòng truy xuất là thật, cho phép truy xuất được thông tin của trang trại chăn nuôi, còn lại chỉ mang tính chất …đối phó.

Có cũng như không!

Đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm mà TP.HCM đang triển khai ban đầu được xem là có tính đột phá và hướng tới mục tiêu để người chăn nuôi, thương lái, người bán hàng phải tự chịu trách nhiệm với hàng hóa mình sản xuất khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Theo lộ trình, từ ngày 31/7 toàn bộ thịt lợn đưa vào hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền đều phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, ngay từ đầu, quy định này đã không được thực hiện một cách triệt để.

Tiếp nhận và tiêu thụ trên 5.000 con lợn/ngày, theo ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, lượng lợn thịt về chợ chủ yếu là từ tỉnh Đồng Nai, số có đeo vòng nhận diện đạt gần 100%, trong đó, lợn có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc đạt khoảng 90%. Trong khi đó, nguồn lợn thịt vào chợ Bình Điền chủ yếu được giết mổ tại tỉnh Long An. Số lợn có đeo vòng truy xuất đạt trên 20%, số còn lại không đeo hoặc đeo vòng nhưng không truy xuất được thông tin.

Trước tình hình này, vừa qua, Sở Công Thương TPHCM đã đề xuất UBND thành phố có văn bản biểu dương Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Hóc Môn, đồng thời nhắc nhở, động viên chợ Bình Điền trong thực hiện chủ trương của thành phố.

Đại diện Sở Công Thương TPHCM thừa nhận sau nhiều tháng triển khai, đề án đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho lợn vẫn còn nhiều bất cập. Tổng số lượng lợn thịt đưa vào TPHCM có đeo vòng truy xuất đạt trên 80% nhưng chỉ hơn một nửa truy xuất được thông tin về trang trại.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do nhiều hộ nông dân lúng túng với quy định mới và không trực tiếp đeo vòng cho lợn. Theo quy trình của đề án, người chăn nuôi tại các tỉnh thành đăng ký thông tin và được Sở Công Thương TPHCM cấp cho trại nuôi một mã code riêng. Người nuôi sẽ trực tiếp đeo vòng cho lợn, nhập mã code riêng được cấp vào từng chiếc vòng để kích hoạt thông tin truy xuất từ địa chỉ trại, ngày giờ xuất chuồng, số lượng lợn…

Tuy nhiên, nhiều người chăn nuôi hiện nay không trực tiếp đeo vòng cho lợn vì chưa được cung cấp mã code, vòng truy xuất. Mỗi lần xuất chuồng, người nuôi trừ phí mua vòng truy xuất trên từng con lợn (giá phổ biến từ 6-10 nghìn đồng/vòng) và phó mặc cho thương lái lo việc đeo vòng truy xuất, nhập mã code để bán được lợn.

Việc cấp mã code và vòng truy xuất có khó khăn? Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, việc cấp mã code hiện nay rất dễ dàng. Đối với việc mua vòng truy xuất, đầu mối là một công ty ở TPHCM với số điện thoại đã được công bố rộng rãi. Người dân chỉ cần đặt hàng, công ty sẽ vận chuyển đến tận nơi. Ngoài ra, để khuyến khích các hộ chăn nuôi thực hiện đề án, TPHCM đã có chính sách giảm 50% chi phí vòng đeo cho lợn để hỗ trợ người chăn nuôi. Người chăn nuôi hiện chỉ mất 3.000 đồng tiền phí mua vòng đeo.

Chưa có chế tài

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến có văn bản yêu cầu Công ty quản lý Chợ Bình Điền tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở các thương nhân, thương lái kinh doanh thịt lợn phải thực hiện nghiêm đề án quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Công ty TNHH và kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra việc đeo vòng, kích hoạt thông tin truy xuất, hướng tới 100% thịt heo kinh doanh tại chợ truy xuất được nguồn gốc.

Ông Tuyến giao Ban quản lý ATTP thành phố, mỗi đêm tổ chức lấy mẫu, test nhanh kiểm tra vi sinh, chất cấm, xử lý nghiêm và thực hiện theo đúng quy định đối với những sản phẩm thịt lợn không có vòng nhận diện.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, đề án đang gặp một số khó khăn là số lượng người tham gia quá đông với khoảng 1.300 trang trại, trong đó có hàng trăm cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hàng chục cơ sở giết mổ, hàng trăm tiểu thương, thương nhân kinh doanh… Các chủ thể tham gia đề án cần phải am hiểu, thao tác được trên ứng dụng công nghệ thông tin nên cần có thời gian thích nghi.

Theo một số chuyên gia, vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa có quy định về chế tài đối với các trường hợp vận chuyển, kinh doanh lợn thịt có đeo vòng nhưng không truy xuất được nguồn gốc. Chợ đầu mối có cả trăm tiểu thương, thương nhân kinh doanh nên khó có thể hy vọng tất cả tự nguyện chấp hành mà cần có chế tài để quản lý.

Ngoài ra, việc thực hiện đeo vòng hiện nay chưa kiểm soát thực chất nguồn gốc của thịt. Vòng truy xuất chỉ có thông tin duy nhất là con lợn của trang trại nào, chưa kiểm soát được quá trình kể từ lúc con lợn được sinh ra cho đến khi giết mổ, đưa vào tiêu thụ.

30% nguồn thực phẩm chưa được giám sát

Theo cáo cáo từ các sở ngành, mỗi ngày TPHCM tiêu thụ từ 1.000 - 1.200 tấn thịt, trong đó thịt heo từ 8.000 - 10.000 con. TPHCM hiện mới chỉ tự cung ứng được khoảng 20% - 25% nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm hàng ngày. Số còn lại là do các tỉnh, thành khác cung cấp. Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM thừa nhận, chỉ mới giám sát được 70% nguồn sản phẩm từ các tỉnh đưa về tiêu thụ tại thành phố.           Uyên Phương

MỚI - NÓNG