Trường “tốp” khối Kinh tế chọn lọc thí sinh từ vòng nộp hồ sơ

Thí sinh cần xem lại kết quả học tập của mình 3 năm THPT để cân nhắc lựa chọn trường thi.
Thí sinh cần xem lại kết quả học tập của mình 3 năm THPT để cân nhắc lựa chọn trường thi.
Để chọn lọc thí sinh có học lực khá vào trường và tránh trường hợp hồ sơ “ảo”, nhiều trường đại học tốp trên khối kinh tế khu vực phía Bắc đã đưa ra điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.

Bên cạnh đó, nhà trường yêu cầu thí sinh phải cam kết khai đúng sự thật, nếu đối chiếu với hồ sơ gốc và phát hiện thí sinh khai không đúng, trường sẽ hủy kết quả.

Lực học trung bình chung từng năm đạt 6,5 trở lên mới đủ điều kiện nộp hồ sơ

Tuyển sinh 2015, Trường ĐH Ngoại thương, sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia (các cụm thi do các trường đại học chủ trì) để xét tuyển. Đồng thời, trường xét tuyển theo từng khối thi như A, A1, D1,2,3,4,5,6.

Để đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển vào trường, thí sinh phải đạt điểm trung bình chung học tập từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở trên. Hạnh kiểm từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ loại Khá trở lên. Tổng điểm 3 môn thi theo từng khối thi đạt mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường.

Nhà trường xây dựng điểm trúng tuyển xác định theo từng chuyên ngành đăng ký, kết hợp với điểm sàn vào trường theo từng khối thi. Điểm các môn thi nhân hệ số 1. Riêng các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật điểm ngoại ngữ nhân hệ số 2.

Trong 2350 chỉ tiêu đại học của cơ sở phía Bắc, Trường ĐH Ngoại thương dành 150 chỉ tiêu đào tạo (ngành Quản trị kinh doanh, Ngành Kinh doanh quốc tế) tại cơ sở Quảng Ninh.

Tương tự, Học viện Ngân hàng, năm nay cũng xét tuyển thí sinh có kết quả trung bình chung học tập từng năm trong ba năm phổ thông trung học đạt 6,5 điểm trở lên.

Thí sinh có điểm tổng của tổ hợp các môn thi thuộc kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia năm xét tuyển đạt yêu cầu của Học viện Ngân hàng về một trong các phương án tổ hợp, cụ thể như sau: Môn Toán, môn Ngữ văn và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh); Môn Toán, môn Vật lý và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh); Môn Toán, môn Hóa học và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh); Môn Toán, môn Vật lý và môn Hóa học.

Năm nay, Học viện dành 10% chỉ tiêu đối với thí sinh tuyển thẳng hàng năm. Với thí sinh là học sinh các trường phổ thông trung học chuyên quốc gia (một trong các môn toán, tin học, vật lý, hoá học, tiếng Anh) có kết quả điểm các môn học thuộc nhóm tổ hợp các môn xét tuyển (của Học viện Ngân hàng) trong 3 năm phổ thông trung học đạt từ 7,0 điểm trở lên được xét tuyển thẳng vào các ngành phù hợp của Học viện Ngân hàng.

Mức điểm chuẩn luôn dao động trong khoảng 20 điểm

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì để xét tuyển. Bên cạnh đó, trường xây dựng tới 10 tổ hợp môn thi để xét tuyển. Điểm xét tuyển theo điểm sàn vào Trường và điểm trúng tuyển vào từng ngành.

GS.TS Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: Trường ĐHKTQD năm nay có tổng chỉ tiêu là 4800- đó là một con số khá lớn. Từ trước tới nay, điểm chuẩn của trường giao động ở mức 20-22,5 điểm.

Do vậy, để đỗ vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thí sinh cũng phải lượng sức mình khi đăng ký xét tuyển.

GS cho biết thêm, sau khi có thông tư ban hành chính thức quy chế tuyển sinh thì trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ chốt lại số tổ hợp để xét tuyển trong một đại học. Các tổ hợp môn khác nhau có cùng mức điểm trúng tuyển.

Giả sử, Ngành Kế toán xét tuyển 3 tổ hợp. Tổ hợp 1: Toán, Ngữ văn, Anh; tổ hợp 2: Toán, Vật lý, Hóa học; tổ hợp 3: Toán, Vật lý và Tiếng Anh, khi đó điểm chuẩn vào Ngành kế toán chung cho 3 tổ hợp, không phân biệt tổ hợp nào và Trường có chỉ tiêu chung cho ngành, không phân chia chỉ tiêu cho từng tổ hợp, không có điểm chuẩn của các tổ hợp khác nhau.

Còn Trường ĐH Thương mại năm nay trường tuyển 4.000 chỉ tiêu, trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Nhiều ngành kinh tế (khối A), thi 3 môn Toán, Vật lý, Hóa học, nay bỏ thi môn hóa, thay vào đó là Tiếng Anh.

Cụ thể, ngành Kinh tế (Kinh tế thương mại), Kế toán (Kế toán doanh nghiệp), Quản trị nhân lực (Quản trị nhân lực thương mại), Thương mại điện tử,… năm nay đều dựa vào kết quả điểm 3 môn thi Toán, Vật lý, Tiếng Anh của kì thi quốc gia.

Được biết, mức điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Thương mại mấy năm trở lại đây từ 17,5 điểm trở lên, ngành cao nhất là 20 điểm.

Kiểm tra hồ sơ của thí sinh trúng tuyển

Lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Khi sinh viên trúng tuyển đến trường nhập học, trường cử cán bộ thu nhận hồ sơ theo Quy chế. Sau khi đối chiếu kiểm tra bản chính học bạ, văn bằng tốt nghiệp, giấy khai sinh và các giấy tờ xác nhận khu vực, đối tượng ưu tiên của thí sinh, cán bộ trường ghi vào các giấy tờ nói trên: ngày, tháng, năm, "đã đối chiếu bản chính" rồi ghi rõ họ tên và ký.

Trong quá trình thu nhận hồ sơ hoặc trong thời gian sinh viên đang theo học tại trường, nếu phát hiện hồ sơ giả mạo thì báo cáo Hiệu trưởng xử lý theo quy định của Quy chế.

Theo Hồng Hạnh
Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG