Băn khoăn…
TS Đoàn Huệ Dung, Trưởng khoa Ngoại ngữ - Sư phạm, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh TPHCM, TESOL - HCM) cho biết, việc có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là tốt, tuy nhiên, chứng chỉ đó là phục vụ cho bản thân, cho lợi ích cá nhân nên việc miễn thi ngoại ngữ cho những thí sinh có chứng chỉ quốc tế và đạt điểm tối đa là không công bằng với những thí sinh khác.
“Kỳ thi THPT quốc gia cũng giống như một cuộc chạy đua. Cùng một xuất phát điểm lớp 12, nếu những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được miễn thi và đạt điểm tối đa thì chẳng khác gì chưa thi đã thắng, trong khi những thí sinh còn lại phải thi và chưa chắc gì đã đạt điểm tối đa thì quả là không công bằng” - TS Dung nói.
Ngoài ra, theo TS Dung, mỗi chứng chỉ có một yêu cầu khác nhau về năng lực ngoại ngữ và kỹ năng làm bài cũng khác nhau. “Chẳng hạn như giữa TOEIC, TOEFL, IELTS đều có sự khác nhau và cũng khác với chương trình của Việt Nam nên việc có các chứng chỉ quốc tế này nhưng đi thi chưa chắc gì được 10 điểm là chuyện bình thường”, TS Dung nói.
TS Dung lấy ví dụ, ở Trung Quốc cách đây vài năm cũng áp dụng các chứng chỉ quốc tế này để miễn thi cho các thí sinh ở một số kỳ thi. Tuy nhiên, đến năm 2015, Trung Quốc đã bỏ quy định này và trở lại với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia.
“Việc tôi băn khoăn không phải là các chứng chỉ quốc tế này có đáng tin cậy hay không mà ở chỗ, việc áp dụng quy định, chủ trương này có lâu dài không hay sẽ thay đổi như Trung Quốc, bởi bản chất của vấn đề là không tạo được sự công bằng trong tuyển sinh và khả năng nhiều học sinh sẽ đầu tư quá nhiều vào việc lấy các chứng chỉ này mà bỏ bê các môn khác”, TS Dung nói.
Theo TS Dung, tốt nhất Bộ GD&ĐT nên có trung tâm khảo thí, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo 6 bậc hiện tại của Bộ GD&ĐT, còn trước mắt, nên giữ ổn định, tránh xáo trộn cho học sinh.
Trong khi đó, thạc sĩ Bùi Mỹ Ngọc, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ - Kinh tế thương mại (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) cho rằng, việc miễn thi ngoại ngữ cho những thí sinh có chứng chỉ quốc tế là hoàn toàn tốt, tuy nhiên, cho điểm tối đa thì cần xem lại và có quy định rõ ràng hơn. Theo thạc sĩ Ngọc, không phải cứ có chứng chỉ là có thể đạt điểm tối đa.
“Chúng ta nên chia theo thang điểm, ví dụ được bao nhiêu điểm IELTS, bao nhiêu điểm TOEFL… thì được 8 điểm, 9 điểm hay 10 điểm. Cần phải có thang điểm cụ thể, rõ ràng để tạo công bằng với những thí sinh khác”, thạc sĩ Ngọc nói.
Hậu kiểm cực kỳ quan trọng
Theo thạc sĩ Ngọc, việc có các chứng chỉ quốc tế là một điều không hề dễ dàng, đòi hỏi các em phải có năng lực và sự nỗ lực trong thời gian dài.
“Tuy nhiên, trong các chứng chỉ quốc tế thì đối với chứng chỉ TOEIC, Bộ GD&ĐT cần yêu cầu thí sinh phải đạt chuẩn bốn kỹ năng nghe, viết, đọc, nói bởi như hiện nay, chứng chỉ này chỉ tập trung ở hai kỹ năng nghe và đọc hiểu. Có như thế sẽ công bằng hơn với các thí sinh khác”, thạc sĩ Ngọc nói.
Về lo ngại nhiều thí sinh sẽ mua hoặc làm giả các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế này để sử dụng trong kỳ thi THPT quốc gia, thạc sĩ Ngọc cho biết, các chứng chỉ này không thể mua được nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều chứng chỉ giả nên công tác hậu kiểm trong vấn đề này cực kỳ quan trọng, đảm bảo công bằng với các thí sinh khác.
“Bản thân tôi làm công tác hậu kiểm các chứng chỉ quốc tế này ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM nên khi thí sinh nộp chứng chỉ, tôi phải truy cập vào trang web của đơn vị đó để kiểm tra chứ mắt thường nhiều lúc không phân biệt được. Công việc hậu kiểm này không phải ai cũng làm được”, thạc sĩ Ngọc nói.
Theo thạc sĩ Ngọc, có nhiều thí sinh dự thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trên mạng do các trường đại học “ma” tổ chức nên chứng chỉ cấp ra không được công nhận, hoặc có trường hợp có chứng chỉ nhưng không có hồ sơ gốc, hoặc có hồ sơ gốc nhưng sai tên tuổi, ngày tháng dự thi… Tất cả đều là những chứng chỉ không hợp lệ.
Đồng quan điểm với thạc sĩ Ngọc, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing TPHCM cho rằng, nếu phương án được thực hiện, công tác hậu kiểm các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế này là cực kỳ quan trọng.
“Trường nào, địa phương nào có trường hợp miễn thi tốt nghiệp cho những thí sinh có chứng chỉ quốc tế và đạt điểm tối đa thì phải làm thật tốt công tác hậu kiểm, trường hợp nào vi phạm thì phải xử lý nghiêm, đảm bảo công bằng cho thí sinh”, thạc sĩ Tuấn nói.
Lướt trên mạng, PV không khó để tìm được các trang web công khai mua bán các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như TOEIC, TOEFL, IELTS, B1, B2 châu Âu…
Chứng chỉ TOEIC từ 400 - 500 điểm giá 3 triệu đồng; 600 - 900 giá 4 triệu đồng, chứng chỉ IELTS 6 - 7.5 giá 3 triệu đồng… Thời gian chỉ từ 2 đến 3 ngày là có bằng.