Trường Sa - Miền nhớ thương

Trường Sa - Miền nhớ thương
TPO - Đó là tên một ca khúc được nhạc sĩ Nguyên Vũ phổ nhạc từ bài thơ của luật gia Nguyễn Thanh Lương, thể hiện sự tôn kính đối với những người đã hy sinh và sự ngưỡng mộ, cảm phục đối với những người đang cầm súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc tại Trường Sa.

Chia sẻ về sự ra đời của tác phẩm, tác giả Nguyễn Thanh Lương (Công ty TNHH Luật Quốc tế Hồng Thái) cho biết: Nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Tổng cục Chính trị Công an nhân dân (1981-2016), tháng 4/2016, Bộ Công an tổ chức đoàn công tác đi thực tế, thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

“Chuyến đi đã để lại trong tôi rất nhiều trải nghiệm và kỷ niệm sâu sắc về thiên nhiên, con người nơi đây; đặc biệt là ấn tượng về cuộc sống, chiến đấu của những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Từ sự tôn kính đối với những người đã hy sinh và sự ngưỡng mộ, cảm phục đối với những người đang cầm súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc tại Trường Sa, tôi viết bài thơ Trường Sa - Miền thương nhớ”.

Khi đọc bài thơ ấy, nhạc sĩ Nguyễn Vũ, giảng viên âm nhạc của Đại học Thủ đô đã trào dâng cảm xúc, anh phổ nhạc thành ca khúc “Trường Sa - Miền nhớ thương” với giai điệu hào hùng, sâu lắng, lúc trầm lúc bổng, dập dồn như tiếng sóng ngoài khơi xa…

Bài hát mở đầu bằng lời ca kể về những loài sinh vật đặc trưng sinh tồn trên quần đảo, gợi lên tính chất khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đầu sóng, ngọn gió: “Bạn đã một lần đến Trường Sa/ Kìa cây phong ba kiên cường trong bão tố/ Đây trái bàng vuông hình đất Tổ/ Đàn hải âu vờn trên sóng nước bao la”.

Việc liên tưởng hình trái bàng vuông với sự tích “bánh chưng, bánh dầy”, cùng quan niệm “trời tròn, đất vuông” thời Vua Hùng dựng Nhà nước Văn Lang, tác giả muốn nói lên sợi dây liên hệ giữa Trường Sa với đất liền: Mỗi trái cây, ngọn cỏ nơi đây cũng mang dáng hình của Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh đó, hình ảnh hải âu vờn trên sóng nước nói lên cảnh đất nước thanh bình, tươi đẹp mà lớp lớp cháu con người Việt Nam cần noi gương tổ tiên, tiếp tục gìn giữ cho muôn đời sau, như lời Bác Hồ từng ước mong, căn dặn.

Tiếp đến, tác giả nhắc đến Lễ tưởng niệm đặc biệt, tạo ra sự xúc động hoàn toàn khác biệt với những lễ tưởng niệm ở trên đất liền mà chỉ những người có may mắn được ra Trường Sa mới có duyên phận để trải nghiệm và thấu cảm: “Bạn đã một lần tưởng niệm ở Trường Sa/ Mới thấy bao la ân tình người giữ đảo/ Hiến dâng cả tuổi xuân cho đất nước/ Những con người dệt bằng những vất vả, hy sinh”.

Trường Sa - Miền nhớ thương ảnh 1

Theo tác giả, Lễ tưởng niệm ở đây trở nên thiêng liêng hơn nhưng cũng mênh mang, vô định hơn, sự giao cảm âm - dương giữa những người tham gia lễ tưởng niệm với các liệt sĩ là rất gần nhưng lại không cụ thể, không mang tính chất vật thể mà được bao trùm bởi tính chất tâm linh, phi vật thể. Khi đó, giữa bao la của trời biển, chỉ có nỗi đau xót đến tận cùng bật lên thành cảm xúc là rõ ràng và dễ cảm nhận nhất. Đây cũng chính là cảm xúc chủ đạo của cả ca khúc.

Đến câu hát: “Trường Sa ơi! Cùng ngồi bên nhau trong cồn cào nỗi nhớ. Nghe tâm sự chuyện tình anh lính trẻ. Ai cũng chạnh lòng, sao không được... yêu xa”. Người nghe cảm nhận được những mối tình xa xôi, cách trở nhưng vô cùng lớn lao. Đồng thời ẩn chứa sự khâm phục, trân quý và ngợi ca đức hy sinh trong tình yêu của những người lính đảo, những mối tình với những người yêu thủy chung, người vợ thảo hiền của người lính giữ đảo xa…

“Trường Sa đã trĩu nặng trong lòng tôi những tình cảm và suy tư lớn, dày dặn và đậm sâu, đã kết tinh lại thành miền, thành khối mà tôi gọi đó là "Miền Thương Nhớ". "Miền Thương Nhớ" là một khái niệm vừa mang tính địa lý, địa danh, vừa mang tính tâm lý, ký ức, khiến cho Trường Sa vừa xa xôi về không gian, lại vừa gần gũi trong tâm tưởng của mỗi người Việt Nam”, tác giả Nguyễn Thanh Lương chia sẻ.

MỚI - NÓNG