Trường ngoài công lập vẫn loay hoay tìm lối thoát

Trường ngoài công lập vẫn loay hoay tìm lối thoát
TP - Các trường đại học ngoài công lập (NCL) vẫn chưa ra khỏi cơn khủng hoảng sau mùa tuyển sinh 2012 khi khá nhiều trường không tuyển đủ người học. Mùa tuyển sinh 2013 đang đến gần, nhiều nơi vẫn loay hoay tìm lối thoát.

> 'Điểm sàn đẩy hàng nghìn học sinh ra nước ngoài'
> Vào trường dân lập cực…khó

Sinh viên ĐH Hòa Bình. Ảnh: Hồ Thu
Sinh viên ĐH Hòa Bình. Ảnh: Hồ Thu.

Trong các cuộc trao đổi với phóng viên báo chí, đại diện Bộ GD&ĐT, thứ trưởng Bùi Văn Ga, luôn cho rằng các trường không tuyển đủ người học là do chất lượng và uy tín chưa cao, chưa đáp ứng sự mong đợi của xã hội...

Tuy nhiên, theo ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch hiệp hội các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) NCL, có thể có một số trường đầu tư còn hạn chế nhưng cũng có những trường đầu tư tốt, đào tạo rất nghiêm túc vẫn gặp khó khăn.

 Một trường tư thục khác ở Hà Nội còn trả giá săn đầu người đến gần 1 triệu đồng/1 tân sinh viên. Như thế thì là kinh doanh chứ không phải đào tạo nữa.

Một giảng viên đại học xin giấu tên nói

Ông Quân dẫn ví dụ về trường ĐH quốc tế Bắc Hà. Theo ông Quân, trường này dạy học nghiêm chỉnh, với độ lọc khoảng 10%, khác hẳn với kiểu đào tạo vào được ĐH là có bằng; hay như ĐH Tư thục Phan Chu Trinh, dù đào tạo nghiêm túc nhưng cũng đang ngắc ngoải do không tuyển sinh được, như nhận định của ông Quân.

Lãnh đạo một trường đại học ngoài công lập cho rằng cơ sở vật chất thuộc loại tốt như ĐH Hà Hoa Tiên mà vẫn không tuyển được người học. Ngoài sự quản lý quá ngặt nghèo đối với sinh viên khiến họ không tìm đến học, thì lý do chủ yếu là do ngành GD&ĐT đã cho thành lập quá nhiều trường và cho phép các trường công lập tăng chỉ tiêu hết cỡ.

“Cái chết của hệ thống ĐH, CĐ là cho phép các trường tự xác định chỉ tiêu và tuyển sinh đến cùng. Ví dụ: ĐH Bách khoa tuyển hệ cao đẳng lấy đến 12,0 điểm (chỉ cần được ưu tiên 2 điểm thì 10 điểm cũng có thể được vào học; rồi như ĐH Công nghiệp tăng chỉ tiêu từ 6.000 lên 9.600 vào năm 2013; Năm 2012 có hơn 100 thí sinh đỗ vào trường ĐH Hà Hoa Tiên nhưng chỉ có 25 thí sinh vào học; thí sinh đỗ rồi lại rút hồ sơ sang trường khác - khó khăn lại càng khó khăn do cơ chế của Bộ “đẻ” ra” - cán bộ này bức xúc nói.

Tự quẫy đạp vẫn vô vọng

Ông Trần Hồng Quân cho biết, vì mưu sinh, các trường đua nhau tìm phương cách tuyển sinh; có trường xin danh sách sinh viên trượt của các trường ĐH lớn và gửi thư mời học; hay như, chính một lãnh đạo một trường đại học ngoài công lập vừa nêu ở trên cho biết, trường ĐH H. đã phải nhờ các trung tâm giáo dục gọi tuyển sinh giúp với giá săn đầu người từ 100.000 đến 150.000 đồng/ 1 sinh viên.

Miêu tả tình trạng của các trường NCL hiện nay, ông Trần Hồng Quân thừa nhận các trường NCL đang... bó tay, chờ Bộ GD&ĐT cho phương án tuyển sinh và hoàn toàn phụ thuộc vào đề thi tuyển sinh của Bộ khó hay dễ và điểm sàn của Bộ cao hay thấp. Bản thân ông Quân cho hay cũng không đồng tình với các “chiêu trò” mà các trường đưa ra để thu hút thí sinh.

Ông Đặng Hữu, Chủ tịch HĐQT trường ĐH Quốc tế Bắc Hà cho biết: năm nay trường tuyển 650 chỉ tiêu và đang làm việc với Bộ GD&ĐT về cơ chế tuyển sinh riêng, nhưng, nếu không tuyển đủ, thì việc đào tạo của nhà trường sẽ đảo lộn hết: phải chuyển lớp, chuyển các bộ môn, cán bộ phải đi làm việc khác... vì không thể trụ lâu hơn được. “Năm nay không tuyển đủ thì các nhà đầu tư sẽ không góp vốn nữa và nhà trường sẽ phải đi vay để đào tạo!”, ông Đặng Hữu nói.

Lối thoát nào cho ngoài công lập?

Ông Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình nêu vấn đề: theo đề án quy hoạch mạng lưới của Bộ GD&ĐT, trong thời gian 5 năm, số sinh viên sẽ tăng lên gấp rưỡi. Nếu cứ để hệ thống như hiện nay, tuyển sinh như hiện nay, điểm sàn như hiện nay... thì không thể nào thực hiện được chỉ tiêu này.

Theo ông Vận, ngành GD&ĐT cần phải điều chỉnh tư duy: hệ thống ĐH, CĐ phải gồm 2 phần- các trường ĐH xuất sắc thì tuyển sinh chặt chẽ, lấy điểm cao; giáo dục đại chúng cho số đông có triết lý giáo dục riêng để cho người học thích học gì thì học nấy thì yêu cầu đầu vào vừa phải.

Ông Trần Hồng Quân cũng cho biết, cách đây mấy năm Hiệp hội các trường NCL đã đề xuất phương án một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nghiêm túc gồm 8 môn và các trường chọn kết quả các môn thích hợp cho từng ngành của mình và tuyển theo hệ số điểm của từng môn nhưng không được Bộ GD&ĐT chấp nhận.

Ông Quân nói: kết quả thi phổ thông sẽ đi theo con người suốt cuộc đời sao không tập trung làm cho tốt mà lại nhấn mạnh vào một kỳ thi tuyển sinh căng thẳng, khiến học sinh học lệch ghê gớm.

Kết quả của cuộc họp BCH Hiệp hội các trường NCL ngày 22/5/2013, theo nguồn tin riêng của phóng viên Tiền Phong, cho thấy: các trường NCL vẫn đang bế tắc từ việc chuyển đổi trường dân lập sang tư thục đến việc sẽ tuyển sinh thế nào trong năm 2013.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.