Trường ngoài công lập phải công khai học phí

Trường ngoài công lập phải công khai học phí
TP - Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT ban hành năm nay, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải công bố mức học phí hàng tháng, hoặc năm học, khóa học.

Theo phản ảnh của nhiều địa phương, hàng năm cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ” ban hành quá muộn, sau thời điểm thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tuyển sinh, ảnh hưởng tới quyền được thông tin đầy đủ và kịp thời của thí sinh.

Chẳng hạn, năm ngoái, giữa tháng ba, cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2009” mới được phát hành.  Trong khi đó thời điểm thí sinh bắt đầu được quyền đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ là 10/3 hàng năm.

Trong một hội nghị gần đây về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long khẳng định nhược điểm này sẽ được khắc phục. Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng ban hành cuốn “Những điều cần biết...” trước khoảng hai tuần so với thời điểm 10/3.

Còn theo bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), để nhanh chóng tiếp cận với những thông tin cần biết về tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, thí sinh có thể vào website của Bộ GD&ĐT. Các Sở GD&ĐT cũng như các trường phổ thông có thể in những thông tin đó để phổ biến miễn phí với HS của mình (không được in ra để bán).

Mặt khác, trong cuốn “Những điều cần biết...” những năm trước nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập không thông tin rõ loại hình trường mình. Theo đó, nhiều thí sinh muốn đăng ký dự thi vào trường công lập nhưng lại đăng ký nhầm vào trường ngoài công lập.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long, năm nay sẽ không còn tình trạng này. Trong cuốn “Những điều cần biết...”, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải công bố mức học phí hàng tháng (hoặc năm học, khóa học) đối với khóa tuyển sinh năm 2009.

Mức chênh lệch điểm lớn hơn

Về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 vẫn giữ ổn định theo giải pháp ba chung như những năm trước. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ bổ sung một số quy định mới như khung điểm ưu tiên, cấu trúc đề thi...

Đối với các trường đóng tại các vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm, nhưng không quá 1,5 điểm, để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết.

Đối với các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm, nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao.

Về đề thi, nội dung đề thi được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đối với các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, đề thi mỗi môn gồm 2 phần. Phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; Phần riêng ra theo từng chương trình gồm có chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.

Thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. Thí sinh nào làm cả hai phần riêng thì bài làm bị coi là phạm quy, cả hai phần riêng đều không được chấm (bài làm chỉ được chấm điểm phần chung).

Riêng với các môn Ngoại ngữ, đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng. 

MỚI - NÓNG