Chủ trương phân luồng học sinh sau THCS đã được thực hiện từ nhiều năm, học sinh được miễn, giảm học phí nhưng xem ra vẫn chưa hiệu quả. Chỉ riêng TP HCM, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS không đủ điểm vào lớp 10 lên tới 20.000 em nhưng kết quả tuyển sinh 6 tháng đầu năm 2018 của 63 trường trung cấp (TC) tại TP HCM mới đạt 6.283 học sinh, kể cả học sinh đã có bằng THPT trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của 63 trường TC trong năm nay là 36.000.
Ngóng từng học sinh
Tại nhiều trường TC, số lượng tuyển sinh đến lúc này vẫn còn khá ít ỏi so với kỳ vọng. Đại diện nhiều trường TC cho rằng năm 2018 tiếp tục là năm khó khăn đối với trường nghề.
Tốt nghiệp THCS, Huỳnh Thanh Tùng không học tiếp lên THPT mà chuyển hướng sang học quản trị khách sạn tại một trường TC. Đó là sự lựa chọn khó khăn bởi tâm lý chuộng bằng cấp, nhiều người vẫn muốn học tiếp lên THPT rồi vào ĐH. Tuy nhiên, với Tùng vẫn thấy quyết định của mình là đúng đắn, không hối tiếc bởi thời gian học ngắn, có nhiều cơ hội tiếp xúc với nghề và chắc chắn ra trường có việc làm. Tùng cho biết hiện em đang đi làm thêm vào những ngày rảnh ở một khách sạn nho nhỏ, tuy không được nhiều tiền nhưng em tích lũy được kinh nghiệm cho công việc tương lai của mình.
Những trường hợp rẽ hướng đi học nghề như trường hợp của em Huỳnh Thanh Tùng vẫn chưa nhiều. Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường TC Công nghệ Bách khoa (TP HCM), cho biết hiện tại trường mới tuyển được 150 học sinh. Các em không đến tập trung từng đợt mà rải rác trong suốt nhiều tháng qua. Tại Trường TC Việt Giao, kết quả tuyển sinh đến thời điểm này cũng chỉ được 340 học sinh. Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng nhà trường, nhìn nhận giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh quanh năm nên học sinh không đến tập trung, do vậy trường quy định từng mốc thời gian nhập học cụ thể cho từng đối tượng. Kết quả tuyển sinh đến lúc này tốt hơn 2017 nhưng vẫn hồi hộp. Còn tại Trường TC Bách khoa TP HCM, kết quả tuyển sinh tại thời điểm này mới đạt 330 học sinh, chậm hơn các năm trước.
Nghịch lý của phân luồng
Đối tượng tuyển sinh của các trường chủ yếu là học sinh tốt nghiệp THCS nhưng thực tế tuyển sinh thì ngược lại.
Trong số 150 học sinh Trường TC Công nghệ Bách khoa tuyển sinh được đến giờ này thì chỉ có 40% học sinh tốt nghiệp THCS, 60% học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT (trong đó 30% đã tốt nghiệp từ năm trước). Tại Trường TC Việt Giao, tỉ lệ học sinh có bằng THPT là 50%, còn tại Trường TC Bách khoa TP HCM là 60%…
Thạc sĩ Trần Phương cho rằng phân luồng học sinh sau THCS thật sự chưa hiệu quả bởi trường THCS chưa coi trọng việc học nghề của học sinh. Giáo viên và ngay cả hiệu trưởng còn có tâm lý học sinh của mình học xong THCS phải học tiếp lên THPT để vào ĐH. Hiệu trưởng một trường TC khác còn cho biết họ còn không có cơ hội vào trường THCS để tiếp cận học sinh nếu không có mối quan hệ cá nhân.
Theo đại diện các trường TC, học sinh học TC tập trung vào các nghề ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Mức lương của những người mới tốt nghiệp thường dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng, cũng có những sinh viên lương khoảng 20-30 triệu đồng. Ở đối tượng này, nhu cầu học liên thông rất ít, đa số sinh viên ra trường đều muốn đi làm luôn. Một số người học liên thông thường đã đi làm tầm 2-3 năm, khi đã có một công việc ổn định.
Dù đầu ra với cơ hội việc làm rộng mở như vậy nhưng các trường nghề vẫn vật vã tuyển sinh. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, nhận định khó khăn về tuyển sinh của các trường, ngoài yếu tố coi trọng bằng cấp của xã hội, người học thì nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa tạo ra được uy tín với xã hội. Công tác tuyên truyền chưa được quan tâm thực hiện. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa quan tâm nhiều ở việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất. Còn sử dụng các phương tiện kỹ thuật dạy học lạc hậu so với thực tế sản xuất.
Trong 6 tháng cuối năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM có kế hoạch xây dựng hệ thống thông tin, dự báo nhu cầu nhân lực. Tiến hành xây dựng và vận hành cổng thông tin điện tử giáo dục nghề nghiệp TP. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển dụng; theo dõi quá trình, kết quả học tập của học sinh tới khi ra trường trên trang điện tử của doanh nghiệp.