Các trường nghề vẫn phải tự... bơi

Lớp dạy nghề cho sinh viên. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Lớp dạy nghề cho sinh viên. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Hơn 1 năm sau khi Bộ LĐ-TB&XH được giao quản lý thống nhất về giáo dục nghề nghiệp, với hệ thống gần 2.000 trường nghề, nhưng dấu ấn để lại chưa nhiều, và còn nhiều khoảng trống phải khắc phục.

Đó là nhận xét của một số người trong cuộc trong khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lại cho rằng Bộ đã chọn năm 2018 là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp, trong đó: Tiến hành quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh sang tự chủ tạo động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp; chuyển hẳn sang một hướng mới....

Chiều 5/6, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hồng Khanh, Phó Hiệu trưởng Cao đẳng Y Dược Pasteur Hà Nội cho biết, việc thống nhất quản lý đào tạo nghề là đúng. Tuy nhiên, hiện cả nước có gần 2.000 cơ sở đào tạo nghề, với khối lượng văn bản hướng dẫn khổng lồ, nên việc quản lý thời gian đầu của Bộ LĐ-TB&XH có phần quá tải. 

Về phía các trường, theo ông Khanh, những trường chuyển từ quản lý của Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH đều chưa quen với hệ thống quản lý mới. Đặc biệt, khi chuyển đổi quản lý cũng chuyển đổi hoạt động theo Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay vì Luật Giáo dục).

Do đó, các trường phải tăng thời gian dạy thực hành, bỏ bớt hàn lâm, lý thuyết, nên nhiều trường gặp khó khăn do phải đầu tư lớn cho trang thiết bị thực hành. Quan trọng nhất, theo ông Khanh, việc tuyển sinh của các trường nghề vẫn khó khăn, dù cơ quan quản lý nhà nước đã tạo điều kiện cho tuyển sinh quanh năm.

Điểm được nhất của Bộ LĐ-TB&XH trong hơn 1 năm được giao quản lý toàn bộ hệ thống giáo dục nghề, theo ông Khanh, là sáp nhập, giải thể một số cơ sở dạy nghề yếu kém. Điều này giúp học sinh chọn trường dễ hơn, giảm phân tán trong tuyển sinh, tạo điều kiện để đầu tư tốt hơn cho việc dạy và học...

Còn ông Nguyễn Tiền Tiến, nguyên Phó Hiệu trưởng Cao đẳng Thương mại (Đà Nẵng) lo lắng, tới năm 2020 việc các trường phải tự chủ tài chính, sẽ khiến nhiều trường lao đao, nếu câu chuyện tuyển sinh khó khăn chưa được cải thiện.

Theo ông Tiến, một trong những khó khăn các trường đang gặp phải là xác định tiêu chuẩn tay nghề với các nghề xã hội, kinh tế. Theo đó, với nghề kỹ thuật, việc đưa ra các tiêu chuẩn tay nghề bậc 1, 2, 3... đều rõ ràng, nhưng với nghề quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, thương mại quốc tế... không có tiêu chuẩn gì để thực hiện.

“Đã là nghề phải có bậc tay nghề, nhưng không phải nghề nào cũng có tiêu chuẩn, nên 10 ông làm thì 11 cách khác nhau, không ai giống ai. Các trường phải tự bơi, mỗi trường xếp tay nghề theo một tiêu chuẩn khác nhau, mà nếu không có tiêu chuẩn tay nghề không được, vì quy định phải vậy”, ông Tiến nói.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hết năm 2017, cả nước có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1.035 trung tâm dạy nghề. Năm qua, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được hơn 2,2 triệu người.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.