Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội:

Hàng vạn 'dê vàng' có thể phải học dân lập, trường nghề

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2018 tại Hà Nội dự báo sẽ căng thẳng hơn các năm trước. Ảnh minh họa: Q.Anh
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2018 tại Hà Nội dự báo sẽ căng thẳng hơn các năm trước. Ảnh minh họa: Q.Anh
Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập hầu như không có thay đổi đáng kể so với năm học trước, nhưng số lượng học sinh tốt nghiệp THCS lại tăng đột biến khiến áp lực trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019 ở Hà Nội căng thẳng hơn mọi năm. Dự kiến, có hàng vạn “dê vàng” (sinh năm Quý Mùi, 2003) sẽ chuyển sang học trường dân lập, hệ bổ túc, trường nghề…
  1. Đột biến tăng 2,4 vạn học sinh

    Dù kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 tại Hà Nội còn tới hơn 6 tháng nữa mới diễn ra, trong khi Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chưa công bố phương án thi cụ thể, nhưng theo ước tính của Sở, kỳ thi vào lớp 10 sắp tới tỷ lệ “chọi” sẽ rất căng thẳng ở các trường công lập, đặc biệt là những trường “top trên”, trường chuyên. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng thí sinh tăng cao đột biến so với những năm trước, bởi năm đẹp “dê vàng” (SN 2003). Dự kiến, với hơn 100.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2018 ở Hà Nội so với năm 2017 sẽ tăng 24.000 thí sinh.

    Những năm gần đây, vào mùa tuyển sinh lớp 10 THPT tại Hà Nội, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi khoảng từ 70.000-80.000 thí sinh, nhưng cũng chỉ trên 60% trong số đó có chỗ trong các trường công lập, số còn lại sẽ học ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên. Năm 2018, có tới hơn 100.000 học sinh tham gia kỳ thi THPT, cho thấy cuộc chạy đua giành suất vào trường công càng được hâm nóng trước kỳ thi tới. Điều này đồng nghĩa, sẽ có hàng vạn học sinh sẽ chuyển sang học tại trường ngoài công lập, hệ bổ túc, trường nghề.

    Áp lực chạy đua vào trường công với tỷ lệ chọi cao hơn hẳn các năm trước đã khiến rất nhiều phụ huynh học sinh lo lắng. Chị Nguyễn Thu Hằng (Khu tập thể Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) có con học lớp 9 cho biết: “Năm 2018, lứa "dê vàng" này có số lượng rất lớn, dù đã lên tâm lý từ sớm, nhưng vẫn cứ lo lắng cho kỳ thi sắp tới của con. Tôi e rằng, không chỉ trường công lập cạnh tranh gắt gao mà cả trường dân lập cũng khó mà có chỗ học nếu điểm thi thấp. Để chuẩn bị, gia đình cũng đã tăng cường học thêm, ôn tập, thuê gia sư về kèm thêm cho con ở nhà, mong con đạt được kết quả tốt trong kỳ thi tới”.

    Theo ghi nhận, tại một số trường THCS cũng đã dự báo do lứa tuổi “năm đẹp” tăng đột biến nên cũng đã sớm có kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh. Tại một số trường, ngay từ đầu năm, giáo viên được phân công dạy lớp 9 đều là những giáo viên có kinh nghiệm để nâng cao chất lượng dạy học. Học đến đâu, giáo viên phải ôn tập, chốt kiến thức cuốn chiếu đến đó cho học sinh. Đặc biệt, hàng tháng, giáo viên phải có bài kiểm tra, đánh giá kiến thức để biết học sinh nào giỏi, khá, yếu kém để bồi dưỡng, phụ đạo kịp thời, tránh việc hổng kiến thức.

    Ba tháng nữa mới “chốt” phương án tuyển sinh

    Những năm gần đây Hà Nội có chủ trương giảm sĩ số học sinh/lớp để tăng chất lượng khiến cả phụ huynh lẫn các trường đều lo lắng về việc học sinh sẽ thiếu chỗ học. Để giảm áp lực, tăng chỗ học cho học sinh, nhiều phụ huynh, nhà trường đề xuất năm nay ngành GD&ĐT Hà Nội nên căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, số lượng giáo viên mà cho phép các trường được tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên 5-10% so với năm học trước, điều này cũng đã từng được áp dụng trong những năm có số lượng học sinh đột biến tăng.

    Trước những lo lắng của các phụ huynh, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm nay cũng đã xây mới một số lớp học, trường THPT công lập nên tăng cơ hội học công lập cho học sinh tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, Sở cũng đang làm tờ trình báo cáo thành phố về việc đảm bảo tỷ lệ phần trăm chỉ tiêu công lập tương đương năm trước để tạo điều kiện cho học sinh được học công lập.

    Cũng liên quan tới công tác tổ chức thi, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, đến thời điểm hiện tại Sở chưa hề công bố thông tin nào về kì tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2018. Nếu có môn Ngoại ngữ (như một số tin đồn trên mạng xã hội), Sở sẽ công bố sớm để phụ huynh học sinh có thời gian chuẩn bị. Tuyển sinh năm 2018 vẫn giữ nguyên như năm 2017, bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ được thông báo sớm để học sinh và phụ huynh chủ động. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho hay, khoảng tháng 3 hàng năm sẽ công bố phương án thi chính thức và đồng thời sẽ công bố dự kiến phương án thi năm tới.

    Ở kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2017, học sinh tốt nghiệp THCS đều được tham gia tuyển sinh. Mỗi thí sinh sẽ được đăng ký 2 nguyện vọng vào trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh. Bên cạnh việc tuyển sinh bằng kết quả thi và quá trình học THCS, các trường THPT không được đưa ra tiêu chí khác để xét tuyển. Đặc biệt, Sở GD&ĐT nghiêm cấm các trường THCS không được ép hoặc vận động học sinh không tham gia dự thi vào lớp 10 THPT. Trường hợp không đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT phải có đơn tự nguyện của cha mẹ học sinh.

    Ở kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2017 - 2018, Hà Nội có 82.934 học sinh xét tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ THPT là 69.500 học sinh, trong đó các trường công lập tuyển 56.840 học sinh, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 học sinh, số còn lại học hệ bổ túc, trường nghề. Tuyển sinh lớp 10 THPT dựa trên nguyên tắc thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Ở kỳ thi vào lớp 10 hệ không chuyên, các thí sinh tham gia hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn.

Theo Theo Gia đình & Xã hội
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.