Hàng loạt điểm mới
Điểm mới đáng lưu ý của mùa tuyển sinh năm 2017 đối với thí sinh trong xét tuyển đợt 1 là sẽ được đăng ký xét tuyển cùng với thời gian đăng ký dự thi; không bị giới hạn số lượng nguyện vọng, số trường khi đăng ký xét tuyển; các nguyện vọng của thí sinh được sắp theo thứ tự ưu tiên.
Đặc biệt, sau khi có kết quả thi trung học phổ thông, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong thời hạn quy định và được xét trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển theo quy định của trường.
Đối với các trường, điểm mới quan trọng nhất là có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Bộ GĐ&ĐT tiếp tục tạo điều kiện để các trường được tự nguyện phối hợp thành nhóm trường để thực hiện xét tuyển.
Các kỳ thi năm 2015, 2016 đã được tổ chức thành công, sau mỗi năm có những điều chỉnh, hoàn thiện tốt hơn. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức thi như những năm qua, vẫn còn một số điểm hạn chế, có thể cải tiến để tốt hơn. Cụ thể là vẫn tồn tại 2 loại cụm thi trong mỗi địa phương; kỳ thi được tổ chức trong 4 ngày với 8 môn thi nên vẫn nặng nề; việc tổ chức thi 8 môn với 4 môn theo hình thức tự luận tạo điều kiện để học sinh học tủ, học lệch…
Để từng bước khắc phục các hạn chế trên, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tổ chức một cụm thi với các điểm thi được đặt ở các trường hoặc liên trường trung học phổ thông ở các huyện/thị tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi.
Kỳ thi năm 2017 sẽ tổ chức thi 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với hình thức thi này sẽ hướng tới học sinh học tập toàn diện, khắc phục dần tình trạng học tủ, học lệch. Kỳ thi được tổ chức trong 2,5 ngày tạo thuận lợi cho thí sinh
Kết thúc kì thi 2017, Thứ trưởng Ga thông tin, thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74%, cao hơn năm ngoái khoảng gần 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học Xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi; đặc biệt có 514.084 (59.32%) thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử (từ năm 2016 về trước chỉ có chưa đến 15% thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử).
Tỷ lệ thí sinh tới dự thi rất cao, đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99.53%; Toán 99,43%; Vật lí: 99.49%; Hóa học: 99.47%; Sinh học: 99.63%; Ngoại Ngữ: 99.60%; Lịch sử: 99.34%; Địa lý: 99.40%; GDCD: 99.62%).
Thứ trưởng Ga cũng cho biết, ngay từ khi phương án thi được thống nhất, Bộ đã thành lập các tổ biên soạn câu hỏi thi. Sau đó tiến hành thử nghiệm, chỉnh sửa, hoàn thiện và đưa vào Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, phục vụ xây dựng đề thi chính thức cho Kỳ thi.
“Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được xây dựng và hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo tổ chức thành công Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017”- Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
Năm 2018, tuyển sinh sẽ thế nào?
Bộ GD&ĐT khẳng định từ năm 2018 đến 2020, kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định như năm 2017.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga thông tin, từ năm 2018 đến 2020, kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định như năm 2017.
Từ năm 2021, các bài, môn thi được thiết kế phù hợp lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu điều kiện cho phép, thí sinh có thể làm bài trên máy tính.
Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Rà soát các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.
Trước đó, tháng 8/2017, Bộ GD&ĐT gửi văn bản tới các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên để lấy ý kiến về phương án thi THPT quốc gia 2018 và việc xét tuyển dựa trên kết quả từ kỳ thi này.
Bộ này đề xuất hai phương án thực hiện bài thi tổ hợp và lấy ý kiến đóng góp từ các trường tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên trước khi thống nhất. Phương án thứ nhất là giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (như năm 2017).
Phương án thứ hai, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi (không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017).
Nếu theo phương án 2, các trường có thể chọn hai hoặc ba bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển (trong đó bắt buộc phải có một bài thi Toán hoặc Ngữ văn); một bài thi Văn hoặc Toán và một hoặc hai đầu điểm thi năng khiếu/điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn, quy định trong đề án tuyển sinh.
Trong cuộc họp báo công bố kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bà Nguyễn Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT) khẳng định, từ năm 2018 các trường đại học sẽ tự quyết định điểm sàn.
Trong quy chế tuyển sinh hiện nay đã quy định khá rõ các quy định về điểm sàn áp dụng trong năm 2017, còn từ năm 2018 thì có một số điều kiện được bổ sung và khi thực hiện các điều kiện đó thì các trường tự xác định điểm sàn.
Cũng theo bà Phụng, các điều kiện tự bổ sung của năm 2018 là các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ, hoàn chỉnh trong đó đặc biệt quy định về công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, công khai về tỉ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong 2 năm gần đây, công khai về tỉ xuất đầu tư để đảm bảo sinh viên trong một năm học.