Hà Nội: Có thể thi môn thứ 3 để tuyển sinh lớp 10

Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, thi nhiều môn để hướng học sinh tới năng lực toàn diện hơn.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, thi nhiều môn để hướng học sinh tới năng lực toàn diện hơn.
TP - Sáng 26/12, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, có thể trong thời gian tới, học sinh thi vào lớp 10 sẽ phải thi thêm môn thứ 3.  Sở GD&ĐT Hà Nội đang nghiên cứu, trình UBND thành phố xem xét và phê duyệt để áp dụng trong những năm tới, có thể ngay trong kỳ tuyển sinh năm học 2019-2020.

Tuy nhiên, ông Đại phủ nhận thông tin rằng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018-2019, ngoài hai môn Ngữ văn và Toán, thí sinh sẽ thi thêm môn Ngoại ngữ. “Mọi sự thay đổi đều phải có kế hoạch và phải được thông báo sớm tới học sinh, phụ huynh vào tháng 3 hằng năm để học sinh có hướng ôn tập”, ông nói.

Ông Đại cho biết, trên thực tế, việc thi tuyển vào lớp 10 hiện nay với hai môn Toán, Văn kết hợp với xét tuyển đã thực hiện 10 năm qua, bộc lộ khuyết điểm. Bởi, quá trình dạy học đang có những thay đổi, việc thi THPT quốc gia cũng thi nhiều môn, hướng học sinh tới năng lực toàn diện hơn nên lãnh đạo Hà Nội tính đến việc thay đổi phương án thi so với hiện tại là cần thiết. “Việc thay đổi đó, cụ thể là tăng môn thi thứ 3, nhưng không nhất thiết là môn Ngoại ngữ mà có thể là kiến thức nhiều môn khác nhau để hướng tới thúc đẩy học tập toàn diện từ học sinh bậc trung học cơ sở (THCS) và bậc tiểu học, hạn chế việc học sinh chỉ tập trung học vào môn thi”, ông Đại nói.

Cũng theo ông Đại, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cho năm học 2018-2019, Hà Nội vẫn không có gì thay đổi so với các năm trước. Nghĩa là thí sinh dự thi vẫn thi hai môn Văn, Toán và xét hồ sơ học bạ 4 năm THCS. Riêng thí sinh có nguyện vọng thi vào lớp chuyên của 4 trường chuyên gồm: THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam; THPT Chu Văn An; THPT Chuyên Nguyễn Huệ và THPT Chuyên Sơn Tây thì thí sinh phải thi thêm các môn chuyên mong muốn và Ngoại ngữ.

Tổng hợp hay ngoại ngữ?

Ông Phạm Văn Ngát, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho rằng, chủ trương thi môn thứ 3 các trường đã biết đến cách đây một vài năm. Điều  này cũng phù hợp với thực tế hướng học sinh đến việc học tập toàn diện. Trên thực tế, đánh giá về phương án thi và xét tuyển hiện nay, không phải là quá xa vời so với thi môn thứ ba, bởi ngoài học tập trung ôn luyện cho Văn, Toán đối với học sinh thi vào lớp 10 không chuyên và ôn luyện ngoại ngữ, môn chuyên đối với học sinh thi vào trường chuyên thì học sinh vẫn phải học đều các môn.

Tuy nhiên, theo ông Ngát, sở nên công bố kế hoạch sớm để các trường và phụ huynh, học sinh có sự chuẩn bị cả về mặt tâm lý lẫn kiến thức. Khi đó, ngoài việc đảm bảo chương trình chung, các trường buộc phải nâng cao chất lượng tất cả các môn học để học sinh có kiến thức tổng hợp. Ông Ngát cũng cho rằng: “Sở không nên quyết định tiến hành bài thi tổng hợp kiến thức ngay từ năm đầu tiên đổi mới mà nên có lộ trình mới tiến tới làm bài thi. Ví dụ, năm đầu tiên, chỉ cho thí sinh thi thêm 1 môn học cụ thể như: Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh...Những năm sau đó, mới dần tiến lên bài thi tổng hợp kiến thức liên môn”.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, làm bài thi tổng hợp tuy là phù hợp với xu thế dạy học toàn diện nhưng trong xu thế hội nhập, Sở nên tổ chức thi môn Ngoại ngữ để thúc đẩy việc học tập ở môn học này. Theo vị hiệu trưởng trường này, chất lượng, trình độ ngoại ngữ của học sinh hiện nay không đồng đều, nhiều học sinh học hết THCS vẫn rất kém trong các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. “Chỉ có đem vào thi thì buộc các trường, phụ huynh, học sinh phải nâng cao chất lượng môn học. Tuy nhiên, trước khi áp dụng thi, Sở GD&ĐT Hà Nội nên có khảo sát, đánh giá chất lượng qua các bài thi để đánh giá trình độ học sinh hiện nay đang ở đâu”, vị này nói.

Nói về giải pháp giải quyết lượng thí sinh tăng đột biến trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm nay, ông Đại cho rằng, những năm học trước, Hà Nội vẫn có sĩ số học sinh trung bình khoảng 40 em/lớp. Vì vậy, năm nay thí sinh tăng đột biến, Hà Nội sẽ cho tăng sĩ số lên khoảng 45 em/lớp, như vậy vẫn đảm bảo khoảng 62% học sinh được học trường công lập. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường học để tiến tới xây dựng thêm cơ sở trường học mới, đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.