Sáng 2/4, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị với các trường nghề khu vự phía Bắc, nhằm đánh giá công tác tuyển sinh, giải quyết việc làm năm 2017, phương hướng năm 2018.
Lãnh đạo các trường nghề chia sẻ, do khó khăn trong tuyển sinh, nhiều trường đã phải thay đổi cách làm để tăng thu hút người học. Trong đó, nhiều trường đã liên kết với doanh nghiệp để thực hiện cam kết học xong có việc làm.
Điển hình, Trưởng Cao đẳng Nghề Công nghiệp Thanh Hóa, đã liên kết với 21 doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh lân cận, để phối hợp trong quá trình đào tạo, và tuyển dụng sau đào tạo. Đây cũng là cách làm của nhiều trường nghề khác, như Cao đẳng Nghề Hà Nam, Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình, Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội...
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp) cho biết, liên kết giữa trường nghề với doanh nghiệp là hướng đi trọng tâm nhằm giải quyết các khó khăn hiện nay trong cạnh tranh tuyển sinh với đại học. Qua liên kết với doanh nghiệp, theo ông Hùng, trường nghề sẽ biết được nhu cầu thị trường lao động, thay đổi chương trình đào tạo theo nhu cầu, giới thiệu việc làm cho sinh viên...
Tuy vậy, ông Hùng thừa nhận, những khó khăn trong tuyển sinh của trường nghề vẫn còn, đặc biệt tuyển sinh cao đẳng, trung cấp chiếm tỷ lệ thấp. Năm 2017, trường nghề ở 8 tỉnh thành tuyển sinh chưa được 100 chỉ tiêu cao đẳng, trong đó có 3 tỉnh không tuyển được ai học cao đẳng (Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Nông).
Cùng đó, một số ngành nghề độc hại, nguy hiểm khó tuyển sinh (như khoan nổ mìn, công nghệ mạ, chế tạo khuôn mẫu...). Thậm chí, có một số ngành nghề chất lượng cao được đầu tư bài bản, nhưng không tuyển được người học, như: Khảo sát địa hình, bảo vệ môi trường biển, cơ điện lạnh thủy sản, xây dựng cầu đường bộ.
Năm 2017 là năm đầu tiên toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp được chuyển về Bộ LĐ-TB&XH quản lý thống nhất, điều này cũng khiến các trường chuyển đổi phải thực hiện theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Do đó, một số trường đã gặp khó khăn khi phải chuyển đổi chương trình học, dạy thực hành nhiều hơn lý thuyết, chuẩn hóa giáo viên, cơ sở vật chất...
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, năm 2018, bộ xác định nâng cao chất lượng, liên kết doanh nghiệp để tạo bứt phá trong đào tạo nghề. “Nếu tuyển sinh được nhiều nhưng chất lượng không như báo cáo, về lâu dài xã hội và thị trường lao động sẽ không chấp nhận được. Tuyển sinh chỉ là phần ngọn, gốc của đào tạo nghề vẫn là khi ra trường người học có việc làm”, ông Quân nói.
Theo ông Quân, từ năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ cấp ngân sách cho các trường theo số lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo.
Cũng tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã ký kết chương trình hợp tác với các cơ quan, trường nghề trong đào tạo và tiếp nhận sinh viên sau ra trường.
Từ năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH quản lý thống nhất về đào tạo nghề, với 1.974 cơ sở đào tạo nghề cả nước (từ cao đẳng tới trung tâm dạy nghề). Năm qua, các trường đã tuyển sinh đào tạo được hơn 2,2 triệu người. Năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đặt mục tiêu đào tạo hơn 2,2 triệu người.