Sunny Chen, người Trung Quốc nhập cư ở Nhật Bản, đã có bài viết về trường mẫu giáo được cả thế giới ngưỡng mộ trên Novak Djokovic Foundation.
Trẻ em thường được cô lập khỏi tiếng ồn và các tác động có thể gây phiền nhiễu tới mức tối đa. Cụm từ "quản lý lớp học" đề cập đến khả năng kiểm soát học sinh của mình. Chúng ta cố gắng ép các em vào kỷ luật, kiềm chế xu hướng tự nhiên của trẻ là dễ nổi cáu, thích chạy nhảy xung quanh để chơi đùa. Chúng ta đưa cho trẻ những đồ chơi được làm sẵn để khống chế năng lượng của chúng, thay vì để chúng sử dụng trí tưởng tượng để tạo ra các trò chơi của riêng mình. Rồi sau đó, chúng ta tự hỏi vì sao trẻ không năng động, không đam mê và ham học hỏi.
Mặc dù đa số trường học ở châu Á được mô tả như trung tâm của tính kỷ luật, nhưng trường mẫu giáo Fuji ở Tachikawa, Tokyo, thì lại khác.
Trường mẫu giáo Fuji là một tòa nhà hình elip hai tầng. Các lớp học đặt trong vòng tròn ở tầng trệt, ở trên là mái nhà nghiêng nhẹ để học sinh chơi đùa. Ở trung tâm vòng tròn là khoảng sân, cũng là nơi giải trí. Từ "lớp học" được dùng ở đây không chính xác, bởi không có một phòng cụ thể nào cả.
Tất nhiên, mỗi giáo viên sẽ có khoảng không gian trong tòa nhà được xem là lớp của mình, nhưng không có bất kỳ bức tường ngăn cách nào giữa các lớp. Trường mẫu giáo Fuji thách thức mọi khái niệm về ranh giới, thậm chí không phân định được rõ khu vực trong nhà và ngoài trời.
Mái nhà được tạo ra với mục đích trở thành sân chơi chính dành cho trẻ, mặc dù không có xích đu hay bất kỳ thiết bị đồ chơi ngoài trời quen thuộc nào. Thay vào đó, có 3 cây mọc xuyên lớp học, vươn qua mái nhà. Học sinh có thể trèo và chơi tự do trên cây, hoàn toàn yên tâm bởi đã có lưới giăng sẵn phòng khi bị ngã.
Ngoài cây cối và bầu trời xanh, các em còn có một máng trượt từ mái nhà xuống mặt đất. Tất cả chỉ có vậy. Tuy nhiên, không ai cảm thấy nhàm chán. Trẻ sáng tạo ra các trò chơi riêng, hoặc chỉ đơn giản là chạy vòng quanh mái nhà.
Ngoài tòa nhà chính, còn có một tòa phụ để trẻ chơi đùa. Được xây dựng 7 tầng, tòa nhà này được thiết kế nhằm khuyến khích bản năng khám phá tự nhiên của trẻ, để các em trèo lên với chỉ một vài tay vịn và không có đệm.
Nhiều người không quen thuộc với thiết kế của trường học này thắc mắc, làm thế nào để giữ những đứa trẻ không quậy phá điên loạn? Họ kiểm soát chúng như thế nào? Điều gì xảy ra nếu một học sinh bị lạc? Và học sinh ở đây giải trí thế nào nếu không có gì để chơi?
Trẻ được thoải mái làm ồn
Kiến trúc sư Takaharu Tezuka và thầy hiệu trưởng trường mẫu giáo Fuji tin rằng sự tự do và những tiếng ồn từ sân chơi trên mái nhà sẽ có lợi cho trẻ. Khi một đứa trẻ bồn chồn hay chán nản, nó được phép đi lang thang dạo chơi. Trẻ tự kỷ cũng được hưởng lợi từ tiếng ồn. Thay vì tìm kiếm một chỗ nấp, trẻ tự do di chuyển giữa các lớp. Kết quả là những hành vi tự kỷ rất hiếm xảy ra ở trường học này. Trẻ học thoải mái bất chấp tiếng ồn hay những phiền nhiễu xung quanh và cũng có thể tự đưa ra quyết định.
Mái nhà của trường Fuji khuyến khích các em một lối sống lành mạnh. Bất cứ ai từng làm việc với trẻ em đều biết chúng thích chạy nhảy xung quanh để chơi đùa và khám phá các cơ hội. Thiết kế của trường hoàn toàn không phải để kiềm chế hay kiểm soát học sinh, ngược lại khuyến khích nguồn năng lượng vô biên này phát triển. Học sinh trường Fuji đều yêu thích vận động, trung bình mỗi em chạy 2,5 dặm hay 4 km mỗi ngày.
Học sinh ở trường mẫu giáo Fuji được thoải mái leo cây. Ảnh: Katsuhisa Kida
Tezuka nói rằng bản năng tự nhiên của đứa trẻ là chạy theo vòng tròn, đó chính là lý do ông thiết kế ngôi trường theo hình elip. Các nghiên cứu đã chỉ ra học sinh ở trường mẫu giáo Fuji khỏe mạnh hơn so với các em trường khác.
Chủ trương là "không chiều chuộng và không bảo vệ"
Thiết kế của tòa nhà thông minh này cũng đồng thời tạo ra những nguy hiểm. Trong khi suy nghĩ thông thường của phụ huynh là phải tránh để các em gặp rủi ro, ở trường Fuji, trẻ liên tục tiếp xúc với góc nhọn và thường xuyên bị ngã. Điều này cho phép chúng học cách điều chỉnh sự hỗn loạn và nguy hiểm từ thế giới, tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Từ việc học cách làm việc cùng nhau để vượt qua khó khăn, chúng trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn trong cuộc sống.
"Không chiều chuộng và không bảo vệ" là chủ trương của trường Fuji. Các em tự học cách bảo vệ lẫn nhau. Ảnh: Katsuhisa Kida
Trẻ mẫu giáo ở trường Fuji thậm chí còn tự do hơn nhiều so với trẻ phương Tây. Chúng nhận được nhiều bài học từ những sai lầm của mình, học cách tập trung tối đa bất chấp khu vực xung quanh phức tạp đến mức nào.