Tây Nguyên:

Trường học lo ứng phó dịch đau mắt đỏ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại khu vực Tây Nguyên, dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh, nhất là ở Đắk Lắk, Gia Lai. Ngành Giáo dục và Y tế các tỉnh này đang triển khai đồng loạt giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn dịch lây lan, bùng phát rộng.

Ngày 18/9, theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, đến nay tỉnh này có hơn 10.500 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ, trong đó có hơn 9.800 ca tại trường học. Chị N.H.C.(33 tuổi, trú thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết, con trai chị đang học lớp 2, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Khi đón cháu đi học về, gia đình phát hiện mắt cháu đỏ kèm chảy ghèn. Một ngày sau, gia đình cũng bị lây đau mắt đỏ. Hiện, cháu phải nghỉ học để đi khám và nhỏ mắt, uống thuốc theo hướng dẫn của bệnh viện.

Ban Giám hiệu Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay, sau khi có một số em học sinh bị đau mắt đỏ, nhà trường thông báo đến phụ huynh, hướng dẫn cách phòng ngừa.

Trường học lo ứng phó dịch đau mắt đỏ ảnh 1

Các thầy cô hướng dẫn học sinh rửa tay phòng tránh dịch đau mắt

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết, đơn vị đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc tăng cường biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

Sau đó, các trường đã chủ động triển khai vệ sinh trường lớp bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường để sát trùng đồ dùng, bàn ghế; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. CDC Đắk Lắk cũng đã đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch trên địa bàn, nhất là với trường học, tránh lây lan.

Theo thống kê của Bệnh viện mắt Kon Tum, từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận khám, chữa bệnh 580 ca liên quan tới mắt. Trong đó, bệnh đau mắt đỏ 225 ca (trung bình 20 ca/ngày) chủ yếu là trẻ em và học sinh. Trong đó có khoảng 1,5% là có khả năng xảy ra các biến chứng như viêm giác mạc, loét giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực.

Tại Lâm Đồng, theo thống kê có 87 trường hợp ở huyện Đạ Hoai bị bệnh đau mắt đỏ. Sau khi nắm được thông tin, Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu các Trung tâm y tế huyện, thành phố tăng cường truyền thông, khuyến cáo đến người dân.

Tại Gia Lai, chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, ước tính có hơn 1.600 ca đau mắt đỏ. Tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai, trung bình một ngày bệnh viện khám hơn 100 bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt, trong đó hơn 50% bệnh đau mắt đỏ.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa mắt Vũ Phương Việt Hằng (CDC Gia Lai) khuyến cáo, bệnh nhân đau mắt đỏ ở lứa tuổi học sinh đang có xu hướng tăng cao nên cả phụ huynh, học sinh và nhà trường cần có biện pháp thích hợp nhằm kiểm soát lây lan.

“Trường học là nơi dễ lây lan nhất. Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần đưa con tới bệnh viện gần nhất để khám, không tự ý mua thuốc, tránh những biến chứng có thể xảy ra, tạm thời cho con nghỉ học”, bác sĩ Hằng chia sẻ.

Tại Kon Tum, ông Võ Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có gần 2.000 bệnh nhân đau mắt đỏ. Sở Y tế đã có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, tránh bùng phát ổ dịch.

Tại Đắk Nông, Lâm Đồng, dù số ca mắc bệnh đau mắt đỏ còn ít nhưng đại diện các Sở GD&ĐT, Y tế Lâm Đồng cho biết, đã yêu cầu các trường học chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường; thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn khi phát hiện học sinh mắc bệnh để xử lý ổ dịch sớm, triệt để, tránh lây lan, bùng phát rộng. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn cần đảm bảo vệ sinh trường học, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

MỚI - NÓNG