Dịch đau mắt đỏ lan rộng, Bộ Y tế ra 5 khuyến cáo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 15/9, Cục Y tế dự phòng cho biết hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM... Trước tình hình dịch đau mắt đỏ đã lan ra cả nước, Bộ Y tế vừa đưa ra 5 khuyến cáo giúp người dân phòng chống dịch.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

TS, bác sĩ Hoàng Cương, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, virus gây bệnh đau mắt đỏ có khả năng lây mạnh nhất khi xuất hiện các triệu chứng toàn phát ở thời điểm mắc, từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7, nhưng 3 ngày đầu mới mắc (trong giai đoạn ủ bệnh) và 3 ngày sau khỏi vẫn có khả năng lây, do đó tổng thời gian nguy cơ làm lây lan sang người khác khoảng 2 tuần. Trẻ em mắc bệnh nên nghỉ học, vì đến lớp rất dễ lây nhiễm cho các bạn.

Thời gian miễn dịch với virus đau mắt đỏ sau mắc bệnh kéo dài trong 2 tháng nên đã mắc bệnh cũng có thể tái mắc trong một vụ dịch. Bác sĩ Cương cũng lưu ý dù chưa có thống kê chính thống về tỉ lệ biến chứng nhưng thực tế đã ghi nhận các trường hợp biến chứng do tự điều trị hoặc đến khám muộn, vì thế không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ ở trẻ em thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, lúc cơ thể của bé khá nhạy cảm nên dễ chịu sự tác động và tấn công bởi vi khuẩn bên ngoài. Việc chẩn đoán sớm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhất định có thể giúp hạn chế bệnh phát tán. Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ.

Bệnh thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus Herpes, Thủy đậu, Poxvirus… Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…).

Cách phòng bệnh lây lan

Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.

Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.

Không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc.

Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như : đồ ăn – uống, chậu – khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.

Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi…

Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.

Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người.

Đặc biệt khi có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần cho đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời.

MỚI - NÓNG