Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi đảm bảo tính thiết thực, khả thi thông qua việc lựa chọn sửa đổi, bổ sung những nội dung để giải quyết vấn đề “nút thắt” trong thực hiện đổi mới giáo dục ĐH, nhằm triển khai hiệu quả tự chủ ĐH và huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục ĐH. Đồng thời phải tạo được môi trường pháp lý vững chắc, thông thoáng và hấp dẫn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy đổi mới, năng lực sáng tạo, là khâu đột phá chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội, kiến tạo nền kinh tế tri thức cho đất nước.
Tạo cơ hội tiếp cận thị trường
Một trong những điểm mới được bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhắc đến đó là tại điều 14 của dự thảo Luật sửa đổi lần này đã cho phép các cơ sở giáo dục ĐH được thành lập doanh nghiệp, công ty. Mục đích thúc đẩy nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế. Nếu để các nhà khoa học tự thương mại hóa thì kết quả không cao. Vì vậy cần phải có cơ chế doanh nghiệp để chuyển tải, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu đó. Cơ chế này cũng thúc đẩy được quá trình đào tạo gắn với thị trường của các nhà khoa học, bán được kết quả của mình.
Về nội dung này, bà Vũ Thị Lan Anh, phó hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội cho biết ở nước ngoài, các cơ sở giáo dục ĐH đều chú trọng nhiều đến kết nối doanh nghiệp. Họ kết nối chặt chẽ để thử nghiệm sản xuất kinh doanh, phân phối làm ra sản phẩm. Luật giáo dục của Pháp quy định: các cơ sở giáo dục ĐH được tự xác định cơ cấu của mình. Trong đó, các cơ sở giáo dục ĐH Pháp hoàn toàn được phép thành lập các doanh nghiệp.
Dự thảo Luật sửa đổi cũng đề cập đến một vấn đề đang được dư luận quan tâm đó là hội đồng trường. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hội đồng trường đã được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục ĐH 2012. Nhưng đến nay, mới chỉ có khoảng 34% trường ĐH công lập có hội đồng trường. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng thừa nhận quy định này chưa được các trường triển khai, thực hiện nghiêm túc. Nguyên nhân được bà Phụng cho hay là có thể do các trường chưa có sự chuẩn bị cho tự chủ. Quy chế cũng chưa rõ ràng. Các chế tài chưa đủ mạnh. “Hiện nay, chúng ta chú trọng hiệu trưởng, hiệu phó. Toàn bộ nhân tài đều nằm trong ban giám hiệu nên hội đồng chưa thể vượt qua được vai trò của ban giám hiệu nhà trường. Do đó, lần sửa đổi này quy định cụ thể cơ cấu trong hội đồng trường, quyền, trách nhiệm lẫn sự chi phối đối với ban giám hiệu. Khi có hội đồng trường đủ mạnh, cơ quan chủ quản dần trao quyền lực cho hội đồng trường. Mặt khác, dự thảo cũng đưa ra hai phương án để dư luận góp ý, lựa chọn đối với việc bổ nhiệm hội đồng trường. Một phương án là các cơ quan chủ quản, một phương án là Bộ GD&ĐT” - bà Phụng phân tích.
Theo bà Phụng nếu để cho các bộ ngành có quyền bổ nhiệm hiệu trưởng thì dễ thì xẩy ra tình trạng cơ quan bộ ngành tận dụng nguồn nhân lực để bổ nhiệm những người đôi khi chưa đạt chuẩn.
Còn giao cho Bộ GD&ĐT thì sẽ có một mặt bằng chung, người được bổ nhiệm phải đạt được hai điều kiện: thực hiện theo đúng quy trình và đủ điều kiện.
Lo học phí tăng vô tội vạ?
Một trong những điểm mới của dự thảo luật sửa đổi đó là các trường tự chủ được thu học phí theo giá dịch vụ giáo dục ĐH. Như vậy, nhà nước sẽ không còn quy định khung học phí với các trường ĐH công lập tự chủ. Dư luận lo ngại liệu có tình trạng các trường sẽ “lạm phát” tăng học phí hay không? Trả lời vấn đề này, bà Phụng cho rằng các trường phải có đề án và phải giải trình. Chính phủ phải có quy định về phương pháp, cách tính học phí. Đứng từ phía các trường ĐH, PGS Trần Văn Tớp (ĐHBK Hà Nội) cho rằng Chính phủ có cho phép các trường ĐH được tự xác định học phí thì trường cũng không thu cao kịch trần. “Khi đưa ra mức học phí, chúng tôi sẽ phải tính đến vấn đề sức chi trả của người học. Điều này là yếu tố quyết định đối với tuyển sinh của trường. Chính vì vậy, ngay cả hiện nay, khi đã được tự chủ, trường cũng không thu học phí đạt kịch trần theo quy định của Chính phủ” – PGS Trần Văn Tớp cho hay.
Còn ông Đào Văn Đông, hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cho biết, chắc chắn các trường sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định mức học phí cụ thể. Các trường không thể thu học phí tự do. Vì có hai yếu tố tác động. Thứ nhất là sức thu hút tuyển sinh, thứ hai là sự công khai đối với xã hội giữa thu và chi càng ngày càng minh bạch.
Mặt khác, học phí giữa các khối ngành đào tạo khác nhau thì sẽ khác nhau. Ông Đông nêu ví dụ khối ngành kinh tế xã hội, đầu tư đào tạo không thể nhiều như khối kỹ thuật. Trong khi đó, xu hướng, tâm lý của người học và thị trường lao động hiện nay, cho thấy người học thiên về thích học ngành kinh tế, xã hội. Yêu cầu đầu tư không nhiều, nhu cầu lại lớn nên thuận lợi cho nhóm kinh tế, xã hội nhưng lại khó khăn cho khối kỹ thuật. Xét về mặt vĩ mô của nhà nước, cần xem xét cân đối để có những hỗ trợ nhất định để cân bằng hài hòa cho phát triển nguồn nhân lực ở tầm quốc gia. “Như vậy, học phí sẽ không thể leo thang đối với khối ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, chắc chắn mặt bằng sẽ cao hơn hiện nay để đủ chi” – ông Đào Văn Đông khẳng định.
Dự thảo Luật sửa đổi quy định, đấu thầu, đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, không phân biệt loại hình cơ sở giáo dục đại học. “Điều này mở ra cho toàn hệ thống được tiếp cận với ngân sách nhà nước một cách bình đẳng giữa trường công và trường tư. Đồng thời, những trường đào tạo có chất lượng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ quy định này” – bà Phụng khẳng định.