Tiếp bài “Bất cập mô hình trường chất lượng cao ở Hà Nội” :

Trường công chất lượng cao, có “nhầm vai”?

Giờ học vẽ tại một trường chất lượng cao ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hà
Giờ học vẽ tại một trường chất lượng cao ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hà
TP - Nhà giáo, TS. Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội khẳng định việc cho trường công trở thành trường chất lượng cao để thu học phí cao là một hình thức biến tướng của mô hình bán công. Đây là một cách lách luật để thu học phí cao.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa khẳng định, chủ trương có trường chất lượng cao là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, có hai vấn đề mà ông quan tâm khi xây dựng trường chất lượng cao. Thứ nhất, tiêu chí của Hà Nội đưa ra  khi xây dựng trường chất lượng cao mới chỉ là tiêu chí về cơ sở vật chất, điều kiện ban đầu của nhà trường để đảm bảo chất lượng cao. Những tiêu chí này, chưa phải là tiêu chí chính của trường chất lượng cao.  “Tiêu chí chất lượng cao của trường tôi đó là học sinh hạnh phúc và sự tiến bộ của mỗi học trò. Bản chất của một nhà trường chất lượng là học trò tiến bộ. Chứ còn trường 100% học sinh giỏi thì cần gì phải phấn đấu chất lượng cao nữa” - Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa nói.

Hơn nữa, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cho rằng mô hình chất lượng cao mà Hà Nội đang hướng đến phù hợp với các trường ngoài công lập. Vì các trường này được chủ động mọi điều kiện. Còn trường công lập thì sẽ phải huy động tiền của của nhà nước  rất nhiều. “Lẽ ra kinh phí đó cần hỗ trợ các trường còn nghèo, ở vùng xa. Những trường này mới cần được trợ giúp.  Những  trường ở trung tâm, đã tốt rồi lại dành tiền để làm chất lượng cao thì không công bằng” - nhà giáo Nguyễn Văn Hòa băn khoăn.

Ông cũng khẳng định việc thành lập trường công lập chất cao để thu học phí cao thì không khác gì là mô hình bán công trong các trường công trước đây.  Từ lâu ngành giáo dục đã xóa mô hình này, giờ lại lặp lại với tên gọi khác là không ổn.  Đây là cách  lách luật, biến tướng để thu học phí.  “Trường chất lượng cao cho trường công cũng được. Nhưng đừng dùng chiêu bài đó để thu tiền cao học sinh. Đây là biến tướng, không nên làm. Tiêu chí  chất lượng cao thì các trường cứ theo đó mà phấn đấu. Trường nào cũng chất lượng, học sinh đến trường được hạnh phúc thì không có gì sai.Nhưng còn đầu tư tiền của nhà nước rất nhiều để một vài trường nổi lên, sau đó thu hút học sinh giỏi vào, sau đó lại thu tiền cao lên thì đó là hình thức lách luật. Bán công trong trường công. Tôi là một công dân, tôi thấy không hợp lý” - Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa nêu quan điểm.

Nhà nước đảm bảo điều kiện giáo dục đại trà, bồi dưỡng nhân tài

Tại báo cáo tóm tắt tiếp thu giải trình và chỉnh lý Dự thảo  Luật Giáo dục (Sửa đổi) vừa qua, Ban soạn thảo cho biết để cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp, trong đó Nhà nước có chính sách phát hiện học sinh năng khiếu và bồi dưỡng nhân tài. Đối với giáo dục chất lượng cao, Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài. Ban soạn thảo đã rà soát và không quy định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chất lượng cao trong dự thảo Luật để bảo đảm thực hiện các điều kiện cho giáo dục đại trà và bồi dưỡng tài năng; Tạo môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong hệ thống cơ sở giáo dục công lập. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông chất lượng cao tại Hà Nội thì được thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô.

Lý giải thêm về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thành viên ban soạn thảo Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi chia sẻ: Khi soạn thảo Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Ban soạn thảo đã đưa mô hình trường chất lượng cao. Tuy nhiên, Ban soạn thảo nhận thấy, dư luận không đồng tình về vấn đề này. Vì trường công lập đã được hưởng mọi chính sách của nhà nước, nên đưa ra mô hình trường chất lượng cao để tăng học phí là bất bình đẳng. Vì vậy, Ban soạn thảo không đưa vào nữa. Do Luật Thủ đô cho phép nên mô hình trường chất lượng cao chỉ có trong Luật này.

Ông Trịnh Ngọc Thạch cho hay, chất lượng cao thế nào cũng phải có tiêu chí, không phải nói cao là được cao. Tiêu chí của trường chất lượng cao là các điều kiện đảm bảo phải cao. Thứ nhất là đội ngũ giáo viên phải đủ, trình độ cao. Thứ hai  là điều kiện cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại;  tài liệu nghiên cứu giảng dạy phải đầy đủ. Những yếu tố này phải có. Tuy nhiên, trước hết  các trường này phải đạt trường chuẩn quốc gia, sau đó mới nâng lên thành chất lượng cao.  Còn hiện nay, mô hình chất lượng cao không nhận được sự đồng thuận của dư luận vì đây là những trường công, được hưởng mọi chính sách của nhà nước để thu học phí cao.  Trong khi đó, phụ huynh cũng nghi ngờ liệu có lấy danh nghĩa trường chất lượng cao để thu học phí. “Chất lượng cao có khi chỉ là có điều hòa, có sân chơi, có sàn gỗ, còn đội ngũ giáo viên thì vấn thế. Như vậy, đây không phải là trường chất lượng cao” - ông Trịnh Ngọc Thạch khẳng định

Theo ông, nguyên tắc là các trường tư được xây dựng thành trường chất lượng cao. Nếu đưa  vào Luật  quy định trường công thành chất lượng cao là ngân sách của nhà nước cung cấp cho các trường này thành cơ sở thu học phí cao.

“Hơn nữa, trường chất lượng cao phải có sự giám sát chặt chẽ của sở, của thành phố, chứ không phải cao là chỉ đóng học phí cao. Mặt khác, chất lượng cao cũng chỉ có mức độ chứ không tràn lan khắp nơi” - ông Trịnh Ngọc Thạch cho hay.

Điều mà dư luận băn khoăn, đó là tại sao trong Luật giáo dục hiện hành không có, thậm chí Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cũng không đưa vào, nhưng Luật Thủ đô lại vẫn  có mô hình trường  công lập chất lượng cao. Vậy Luật Thủ đô có phải sửa hay Hà Nội có cơ chế đặc thù nên được phép như vậy?

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.