> Trường học bỏ hoang, nhà thầu...bật khóc
VietNamNet nhận được phản ánh của một số phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Gia Thiều (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) về việc trường học được đầu tư xây mới nhưng bước vào năm học mới trường thông báo: mỗi phụ huynh đóng 400.000 đồng/học sinh để mua bàn ghế.
Thấy bất hợp lí anh H. nhà ở thôn Bùi (xã Ngũ Thái) có con vào lớp 1 thắc mắc: “Trường mới được xây nhưng tôi và nhiều phụ huynh vẫn phải đóng 400.000 đồng mua bàn ghế cho con và thầy cô. Số tiền trên với người nông dân như chúng tôi không hề nhỏ”.
Theo tìm hiểu trên địa bàn, toàn bộ 370 học sinh của khối lớp 1, 2, 3 của Trường Tiểu học Nguyễn Gia Thiều đều phải tự lo bàn ghế trước thềm năm học mới 2013-2014.
Trường TH Nguyễn Gia Thiều (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). (Ảnh: Văn Chung).. |
Vào lớp 1 đều phải mua
Sáng 11/9, bà Nguyễn Thị Long, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm 2012 trường được đầu tư xây mới 18 phòng học do cơ sở vật chất cũ đã quá xuống cấp với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước không hỗ trợ mua bàn ghế cho cô và trò.”
Trước khi được xây mới, Trường Tiểu học Nguyễn Gia Thiều có tổng số 12 lớp, học 2 ca (2 lớp chung một phòng). Nay trường được xây mới và sửa chữa với 18 phòng học, trò học 2 buổi/ngày (1 lớp một phòng). Cộng thêm số bàn ghế hỏng khá nhiều nên 13 lớp của 3 khối lớp 1, 2 và 3 phụ huynh phải đóng tiền mua bàn ghế mới.
Dù được đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhưng học sinh Trường TH Nguyễn Gia Thiều vẫn phải đóng tiền mua bàn ghế cho lớp và giáo viên. (Ảnh: Văn Chung).. |
Bà Long cho biết: “Qua bàn bạc, phụ huynh các lớp thống nhất đóng 400.000 đồng/học sinh. Bàn học được mua với chuẩn cao 1,2m đủ cho 2 học trò ngồi. Giá mỗi bộ bàn ghế là 750.000 đồng. Quá trình mua, chúng tôi mời đại diện phụ huynh cùng tham gia.
50.000 đồng còn thừa mỗi bộ, trường thuê thợ mộc đóng bàn gỗ và mua ghế sắt cho giáo viên đứng lớp. Hiện chỉ còn số ít học sinh chưa đóng tiền nên số bàn học còn thiếu từ 3-4 bộ”.
Thực trạng muốn học, trò phải mua bàn ghế theo bà Long đã tồn tại nhiều năm nay. “Thường chỉ trò đầu cấp (lớp 1) mới phải mua. Các em sẽ ngồi bàn của mình trong 5 năm học tại trường. Qua thời gian này, bàn ghế cần được thay mới hoặc sửa chữa”.
Vì là bàn do phụ huynh mua, trò học hết tiểu học có thể mang về nhưng theo bà Long gần như tất cả đều tự nguyện để lại cho trường sử dụng.
Ngân sách không cấp tiền mua ghế
Trao đổi với VietNamNet, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thuận Thành Trần Đắc Thận cho biết: “Hàng năm, vào đầu năm học phòng GD-ĐT cùng Phòng Tài chính, UBND huyện rà soát cơ sở vật chất của các trường học và phân loại mức độ khó khăn của các trường. Những nơi xuống cấp sẽ được đề nghị đầu tư ngân sách sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới”.
Tuy nhiên, ông Thận thừa nhận: “Ngân sách không có khoản nào chi cho mua bàn ghế cho cô và trò. Nơi nào địa phương có điều kiện thì trò không phải đóng góp. Nơi nào khó khăn buộc phải huy động phụ huynh đóng góp. Nhiều năm qua, học sinh đầu cấp tiểu học (lớp 1) và THCS (lớp 6) trên địa bàn huyện bước vào năm học mới đều phải tự lo bàn ghế”.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thuận Thành Trần Đắc Thận: “Nhiều năm qua, học sinh đầu cấp tiểu học (lớp 1) và THCS (lớp 6) trên địa bàn huyện bước vào năm học mới đều phải tự lo bàn ghế (Ảnh: Văn Chung).. |
Là chủ đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Gia Thiều, Chủ tịch UBND xã Ngũ Thái Nguyễn Đình Thường cho biết: “Xã chúng tôi khá khó khăn, kinh tế người dân chủ yếu làm ruộng. Kinh phí tỉnh rót về, địa phương chỉ thực hiện phần xây dựng cơ bản hay mua một số trang thiết bị cho các lớp chứ không có khoản chi cho mua bàn ghế”.
“Do vậy, công tác xã hội hóa giáo dục là cần thiết. Chủ trương của ngành đây là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vẫn được miễn giảm hoặc không đóng khoản tiền mua bàn ghế này” – ông Thận cho hay.
Theo Văn Chung
Vietnamnet