Kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái
Ngày 29/6, tại Hà Nội khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 7 khóa XII dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh:TTXVN.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, hội nghị lần thứ 7 vừa qua, Trung ương đã thảo luận và thông qua 3 nghị quyết: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Để việc học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết lần này đạt kết quả cao, ông Trần Quốc Vượng đề nghị các đại biểu nghiên cứu sâu nội dung nghị quyết và các bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7, nhận thức đúng, đầy đủ tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng của từng nghị quyết; kết hợp với nghiên cứu tài liệu, tăng cường trao đổi, thảo luận, liên hệ thực tiễn địa phương, đơn vị mình để nhận thức đầy đủ hơn nội dung các nghị quyết.
Ông Vượng lưu ý, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt của các ban, bộ, ngành liên quan trực tiếp tới ba lĩnh vực: cán bộ, tiền lương và bảo hiểm xã hội cần có thêm các hình thức thảo luận, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, phân tích kỹ tình hình, đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nhận thức sâu sắc, đầy đủ nội dung của từng nghị quyết. Dành thời gian thỏa đáng để cụ thể hóa nghị quyết thành các chương trình, kế hoạch hành động sát hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Trong đó, cần xác định rõ việc cụ thể, gắn với trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết.
Ông Trấn Quốc Vượng yêu cầu “kiên quyết đấu tranh với những ý kiến không mang tính xây dựng, những quan điểm sai trái, thù địch, cản trở việc nghiên cứu, học tập, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các nghị quyết”.
“Có lên, có xuống, có vào, có ra”
Theo ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư. công tác cán bộ của ta đổi mới còn chậm, có nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; vẫn có một bộ phận cán bộ suy thoái về đạo đức. Đặc biệt, vấn đề kiểm soát quyền lực chúng ta vẫn chưa có cơ chế, nên vẫn có chạy chức, chạy quyền…
Ông Phạm Minh Chính cho rằng nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay đông nhưng không mạnh. Năm 1997 cả nước có hơn 1,3 triệu cán bộ, công chức, viên chức trong khi dân số khoảng 77 triệu người. Năm 2017, có trên 2,7 triệu cán bộ, công chức, viên chức (tăng 100%) trong khi dân số khoảng 92 triệu người (chỉ tăng 20%). Tỷ lệ công chức và người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước trên 1.000 dân (kể cả lực lượng vũ trang, quân đội và công an) là 43, cao hơn nhiều nước.
Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trong số cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý ở các ban, bộ, ngành Trung ương từ 56 tuổi trở lên còn cao, chiếm tới 56,86%. Số cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ở Trung ương chỉ chiếm khoảng 5%, ở cấp tỉnh là 14,7%, thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước. Chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở nhiều nơi. Không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao.
Ông Chính cũng nêu tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thoái hóa, biến chất, không làm tròn bổn phận trước Đảng, nhân dân. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm trước những khó khăn của người dân, cục bộ địa phương...
Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cũng chỉ rõ, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy tội còn xảy ra khá phổ biến ở các cấp, các ngành nhưng chậm được ngăn chặn và đẩy lùi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ, ông Phạm Minh Chính nói.
Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời, chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền; thực hiện nhất quán chủ trương bí thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện không là người địa phương; cải cách chính sách tiền lương để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, cạnh tranh bình đẳng; hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân.
Ông Phạm Minh Chính nêu tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thoái hóa, biến chất, không làm tròn bổn phận trước Đảng, nhân dân. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm trước những khó khăn của người dân, cục bộ địa phương...
“Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ. Hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống, có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.