Trưởng Ban Kinh tế TƯ: Phải giải quyết vướng mắc để PVN phát triển

TPO - Sáng nay, 25/1, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại buổi làm việc với Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN. Lắng nghe những vấn đề khó khăn và thách thức đặt ra cho ngành này trong thời gian qua và tới đây cùng định hướng tháo gỡ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chúc mừng những thành tích đạt được của PVN trong năm 2018, đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước luôn kỳ vọng vào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Trưởng Ban Kinh tế TƯ: Phải giải quyết vướng mắc để PVN phát triển ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh hiện nay, nếu không tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc thì PVN không thể phát triển ổn định, bền vững

Ông Nguyễn Văn Bình  nhấn mạnh hiện nay, nếu không tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc thì PVN không thể phát triển ổn định, bền vững. Trên cơ sở các kiến nghị của PVN, ông Nguyễn Văn Bình yêu cầu các Bộ/ngành cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách mới cũng như điều chỉnh, sửa đổi các cơ chế đang có để tạo môi trường thuận lợi cho PVN phát triển, ổn định.

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết số 41 ngày 23/07/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Ông Bình khẳng định, PVN đã tổ chức tốt việc tuyên truyền, quán triệt, xây dựng ban hành chương trình, kế hoạch hành động để thể chế hoá các chủ trương trong Nghị quyết 41.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng trong 3 năm qua (nhất là trong năm 2018), PVN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu sản xuất được hoàn thành hoặc tiệm cận hoàn thành như khai thác, tiêu thụ khí, sản xuất các loại sản phẩm xăng dầu, điện, đạm, PP. Hàng năm PVN đều hoàn thành các chỉ tiêu về tài chính như doanh thu, lợi nhuận, nộp NSNN ở mức cao; đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn; kiểm soát được công nợ.

Công tác tái cơ cấu đạt yêu cầu đề ra theo hướng rút gọn bộ máy điều hành để nâng cao hiệu quả quản trị (cơ quan Tập đoàn giảm từ 28 đầu mối xuống còn 16 đầu mối); công tác CPH được triển khai quyết liệt, có hiệu quả (năm 2018 đã cổ phần thêm 03 Tổng công ty lớn là PV Oil, PV Power và BSR thu về 7,500 tỷ vốn thặng dư, như báo cáo nêu trên)…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết cũng còn một số hạn chế như: Cơ chế, chính sách cho phát triển ngành dầu khí nói chung và Tập đoàn Dầu khí quốc gia còn nhiều vướng mắc, chưa thực hiện đầy đủ theo chủ trương, yêu cầu của Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị .

Phát biểu kết luận, Trưởng ban kinh tế Trung ướng khẳng định cần  tập trung hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành dầu khí và các cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đối với những khó khăn, vướng mắc trong xử lý 5 dự án, doanh nghiệp yếu kém, cần có cách tiếp cận đúng, sớm có các kiến nghị để ban hành các chủ trương, chính sách cụ thể.

Đối với một số vấn đề lớn, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp để báo cáo Bộ Chính trị sớm có chỉ đạo để tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Trưởng Ban Kinh tế TƯ: Phải giải quyết vướng mắc để PVN phát triển ảnh 2 Năm 2018 PVN  đã cơ bản hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ chỉ tiêu được giao 

Năm 2018, PVN  đã cơ bản vượt qua các khó khăn thách thức để hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được giao như gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2018 đạt 12 triệu tấn quy dầu. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 626,8 nghìn tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm, tăng 26% so với năm 2017. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 121,3 nghìn tỷ đồng, vượt 47,5 nghìn tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 3 tháng, năm 2018 đạt 47,1 nghìn tỷ đồng, vượt gấp 2,5 lần kế hoạch năm, tăng 23% so với năm 2017.

Một số đơn vị thành viên của Tập đoàn có mức đóng góp cao cho ngân sách nhà nước, gồm: VSP đóng góp 28,8 nghìn tỷ đồng, BSR là 11,6 nghìn tỷ đồng; PVEP là 10,5 nghìn tỷ đồng; PVOil là 8,3 nghìn tỷ đồng; PVGas là 5,01 nghìn tỷ đồng; PV Power là 1,4 nghìn tỷ đồng, Petrosetco là 1,3 nghìn tỷ đồng….

Tại thời điểm 31/12/2018, hệ số vay và nợ ngân hàng so với tổng tài sản của Công ty mẹ Tập đoàn là 0,05 lần; hệ số khả năng thanh toán tổng quát là 4,8 lần cho thấy Công ty mẹ- Tập đoàn có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ, đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

MỚI - NÓNG