Trước thềm năm học mới: Lại “đau đầu” việc học online

0:00 / 0:00
0:00
Trước thềm năm học mới: Lại “đau đầu” việc học online
TPO - Sở GD-ĐT TPHCM vừa có tờ trình về phương án và kế hoạch năm học 2021 – 2022. Theo tờ trình thì TP.HCM sẽ không tổ chức lễ khai giảng, các trường bắt đầu tổ chức dạy học trên Internet bắt đầu từ 6/9 với bậc THCS và THPT. Đối với bậc Tiểu học, chương trình sẽ được bắt đầu từ 20/9.

Muốn học online, phải tính đến điều kiện của học sinh

Chị Thu Minh, ở quận 5, hiện có con bước vào lớp 8 cho biết, chị đang không biết bắt đầu từ đâu, trong khi sách giáo khoa còn chưa mua được, đã phải bàn đến việc học online.

“Thực tế qua rất nhiều lần bọn trẻ phải học trực tuyến, tôi đều thấy được sự lộn xộn cả về ý thức học tập của học sinh, lẫn kỹ thuật của giáo viên. Học sinh thì ngủ dậy muộn, học theo kiểu đối phó, trong giờ học chơi game. Còn giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng kênh giảng dạy. Thậm chí đang dạy thì bị đứt quãng, bị tấn công bởi những thành viên ảo…”, chị Minh lấy ví dụ.

Cũng bức xúc với hình thức học trực tuyến, anh Tín, trú tại quận Phú Nhuận cũng nêu ý kiến về những bất cập đối với hình thức học này.

Trước thềm năm học mới: Lại “đau đầu” việc học online ảnh 1

Học online đang là vấn đề đau đầu đối với nhiều phụ huynh hiện nay- ảnh minh hoạ

Theo anh, ngoài khả năng tự giác, tự học của mỗi học sinh thì điều kiện của mỗi gia đình cũng ảnh hưởng đến quá trình học online của con em. Có những gia đình đầy đủ phương tiện như máy tính, điện thoại thông minh, không gian riêng cho con học tập, đường truyền internet ổn định... giúp cho con mình học online tốt; Thì ngược lại, cũng không ít gia đình còn chưa đủ điều kiện, phương tiện để đáp ứng cho con theo cách học này. Đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện để sắm 1 cái máy tính ngay lập tức khi trường có kế hoạch học trực tuyến, trong khi tiền đóng học đầu năm, tiền mua sách vở, dụng cụ học tập chưa biết nhìn vào đâu.

Đấy là chưa kể đối với các em đầu cấp, việc cô trò chưa được làm quen nhau, chưa biết hoàn cảnh cụ thể từng bạn, thậm chí chưa biết mặt nhau, thì việc học trực tuyến là điều rất khó khăn.

Cô Hiền, phụ huynh, đồng thời là giáo viên đang dạy tại một trường THCS ngay trung tâm quận 1 cũng chia sẻ, nói là học sinh thành phố, thậm chí là học tại các quận trung tâm, nhưng thực tế rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy muốn chọn và tổ chức hình thức học hiệu quả, nhà trường cần nắm rõ đặc điểm, điều kiện từng học sinh của trường mình, để lựa chọn hình thức học cho phù hợp. Việc tổ chức học sớm hay muộn không quan trọng, quan trọng là học sinh học được gì và rèn luyện được các phẩm chất năng lực gì trong quá trình học tập.

Lớp 1, 2 khó học trực tuyến?

Đây là ý kiến chung của rất nhiều phụ huynh trong các nhóm lớp và các nhóm hội trên facebook có con bắt đầu vào lớp 1, hoặc lớp 2.

Chị Hoài Hương, chuyên viên tư vấn tài chính ở quận 7, có con học lớp 2 nêu quan điểm: Tổ chức học online chỉ hiệu quả đối với học sinh có khả năng tự học tốt, hình thức này phù hợp với học sinh lớp 8 trở lên. Đối với học sinh lớp nhỏ hơn thì chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt các em học sinh lớp 1,2,3 thì không nên áp dụng hình thức này.

Chị Hương lấy ví dụ, học sinh mới bước vào lớp 1, còn chưa biết cầm bút, chưa biết ngồi đúng tư thế, thì các em bắt đầu thế nào nếu như không có người cầm tay, uốn nắn từng nét chữ? Một đứa trẻ lớp 1, lớp 2 chưa biết cách sử dụng máy tính, chắc chắn phải có người ngồi cạnh. Các con học 1 tháng hay 4 tháng, thì bố mẹ phải nghỉ từng đó thời gian để kèm cặp hay sao?

Trước thềm năm học mới: Lại “đau đầu” việc học online ảnh 2

Nhiều phụ huynh đề nghị nên có những bài giảng để học sinh được học trên truyền hình-ảnh minh hoạ

Đồng quan điểm, chị Tú Uyên, chia sẻ về câu chuyện năm vừa rồi con trai chị phải học online mấy tháng vào đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3. “Đó là khoảng thời gian stress của cả nhà. Vừa bật máy lên, bọn trẻ con lớp 2 ùa vào nói đủ thứ chuyện, cãi nhau nhao nhao không thể dẹp được. Đến phụ huynh ngồi bên cạnh còn không nghe rõ lời giáo viên chỉ vì quá ồn ào, thì học sinh có thể học được gì trơng không khí đó?”, chị Uyên nói và cho biết thêm, lớp con chị năm ngoái có nhiều phụ huynh xin phép cho con không tham gia những buổi học trực tuyến.

Nhiều ý kiến cho rằng, Sở GD- ĐT các tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nên phối hợp với Đài truyền hình, thực hiện dạy học qua kênh này, thì sẽ hiệu quả hơn là dạy trực tuyến qua zoom hay một vài ứng dụng trực tuyến được kết nối bằng Internet thông qua điện thoại hay máy tính.

Hiệu trưởng một trường cấp 2 ở quận 7, TPHCM cho rằng dạy trên truyền hình là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, với học sinh có tinh thần tự học sẽ có thêm nhiều nguồn để tham khảo hơn, chú tâm học hơn. Tuy nhiên, người này cho rằng khi dạy trên truyền hình thì đồng thời đăng bài học lên website của sở giáo dục để học sinh có thể nắm thêm kiến thức tại đây.

Sở GD- ĐT TPHCM đề xuất 3 phương án tổ chức dạy học trực tuyến năm học 2021-2022 như sau: phương án 1, căn cứ tình hình dịch COVID-19 được thành phố khống chế tốt, đến ngày 15/9 dịch được kiểm soát, các cơ sở giáo dục dần được bàn giao, nhà trường tổ chức dạy học trên internet trong thời gian khoảng 4 đến 6 tuần đầu năm học. phương án 2, nếu đến thời điểm 15/9 dịch chưa khống chế đượ các trường tổ chức dạy trực tuyến thêm 6-10 tuần. Còn phương án 3 nếu dịch diễn biến phức tạp, đến cuối năm 2021 thì các trường tổ chức dạy học trên internet trong thời gian học kỳ I của năm học.

MỚI - NÓNG