Trung tướng Phạm Tuân - một trong những người có nhà ở mặt đường Trường Chinh (đoạn qua Quân chủng Phòng không - Không quân) chia sẻ với phóng viên sau những thông tin tuyến đường bị nắn cong về phía Nam do đi qua nhà quan chức.
Đường Trường Chinh đoạn qua Quân chủng Phòng không - Không quân bị uốn cong về phía Nam khiến dư luận cho rằng do nắn qua nhà quan chức. Là người có nhà ở khu vực này, xin ông cho biết cảm giác của mình khi nghe những thông tin đó?
Thực tế là chúng tôi rất bức xúc khi một số tờ báo đưa tin đường Trường Chinh bị nắn cong qua nhà tôi rồi ông này, ông kia là quan chức. Thiếu thì thiếu nhiều nhưng không có chỗ đất đó tôi ở chỗ khác chứ không khó khăn gì. Cả đời tôi đi chiến đấu đâu phải vì mảnh đất cỏn con này. Người ta nghĩ đất mặt đường nó có giá nhưng với tôi ở đó cũng không sung sướng gì lắm.
Thời điểm Hà Nội lập quy hoạch tuyến đường và vẽ chỉ giới đường đỏ, họ có lấy ý kiến của các hộ dân ở đây hay không, riêng cá nhân ông có “tác động” gì với họ không?
Không ai lấy ý kiến tôi mà chỉ đến khi giải phóng mặt bằng họ đo sâu vào đất nhà mình bao nhiêu mét tôi ký luôn và cũng chẳng ý kiến gì về giá đền bù. Với Sở Quy hoạch - Kiến trúc người ta quy hoạch thế nào, có vấn đề gì đằng sau hay không tôi cũng không biết nhưng với tôi thì tuyệt nhiên không có.
Lúc đó ông có thấy ai phản ánh đường đi cong - thẳng hay không?
Quy hoạch đường có từ năm 2008, treo khắp nơi, chỉ giới đường đỏ lấy đất ở chỗ chúng tôi sâu vào khoảng 4m nhưng cũng không ai có ý kiến gì. Có lẽ vừa qua 2 tòa nhà xây sát mặt đường, nhiều tầng, cao lồng lộng khiến người không hiểu cho rằng đường tránh nhà đó. Cái đó là do người ta không hiểu nên nhìn nhận như vậy còn ở đây các tòa nhà đều làm đúng quy hoạch. Hơn nữa, quy hoạch có từ năm 2008 mà mãi đến 2011 họ mới xây nhà.
Nhưng đoạn đường đang thẳng thành cong cũng phải có lý do gì đó mà ở đây dư luận đang nhằm vào khu biệt thự và nhà cao tầng nằm cạnh hố Mẻ, trong đó có nhà của ông?
Với cá nhân tôi, nhà nước thu hồi bao nhiêu, sẵn sàng chấp hành quyết định. Còn người ta bảo đường bị bẻ cong có liên quan nhóm lợi ích, lại càng không phải.
Khi Hà Nội lập quy hoạch và vẽ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Trường Chinh mở rộng, chúng tôi và những người ở đó hầu hết đã nghỉ hưu. Chúng tôi không còn chức, còn quyền và cũng không phải là cán bộ của Hà Nội để mà chỉ đạo được Sở Quy hoạch - Kiến trúc vẽ đường thế này, thế khác. Chúng tôi cũng chẳng đút lót ai cả thì làm sao lại bảo nắn đường qua nhà quan chức!
Khi Hà Nội mở rộng đường Trường Chinh, Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ có ý kiến trên phạm vi đất của mình dài 800m đoạn từ hố Mẻ đến cống Chéo. Đoạn đường đó dưới con mắt của nhà quy hoạch có lẽ họ thấy lấy sang phía Nam là hợp lý vì phía Bắc có nhà dân, một loạt trụ sở cơ quan và những dãy nhà cũ. Ở phía Nam chỉ có một dãy nhà cũ còn lại chỉ là đất lưu không đã chuẩn bị sẵn cho Hà Nội lấy làm đường.
Một số ý kiến cho rằng phía Bắc đường Trường Chinh không có công trình quốc phòng nào quan trọng, do vậy nếu được mở rộng toàn bộ về phía này, tuyến đường sẽ chạy thẳng tắp mà không có gì phải lo ngại?
Có lẽ các bạn nên đi khắp nơi để hỏi xem thế nào là công trình quốc phòng quan trọng. Đất quốc phòng không chỉ có cái hầm, đường hào công sự… đó mới là công trình quốc phòng quan trọng.
Giờ thời bình rất nhiều trận địa cũ người ta còn “đắp chiếu” ở đó, thế nhưng nếu ta không dự phòng cho nó, nay mai giả sử có chiến tranh xảy ra thì làm thế nào. Lúc đó nếu muốn xây sở chỉ huy, trận địa tên lửa… thì lấy đâu ra đất.
Điều đó có nghĩa là trong thời bình thì đất quốc phòng cũng phải giữ một cách hợp lý chứ không thể nói là không sử dụng đến thì đem xây dựng hết các công trình dân sự mà đất quốc phòng là do Chính phủ quy hoạch.
Đoạn đường Trường Chinh đi cong về phía Nam
Trường hợp Hà Nội mở rộng đường Trường Chinh toàn bộ về phía Bắc, ông có sẵn sàng bàn giao toàn bộ đất, nhận phần thiệt thòi về mình không?
Năm 1990, sau khi đoàn văn công chuyển đi, tôi và một số sỹ quan được tạm giao đất ở khu vực này để làm nhà ở. Mãi đến năm 2008, đất của chúng tôi mới được làm sổ đỏ - đó là chính sách phù hợp của nhà nước vì bộ đội sau nhiều năm ở chiến trường rất khó khăn về nhà ở.
Lúc đó biết đường Trường Chinh còn rất nhỏ, đề phòng mở rộng sau này, dù không ai yêu cầu nhưng anh em chúng tôi bàn nhau làm nhà lùi sâu vào trong 12m so với mặt đường để đất lưu không.
Nay nếu đường Trường Chinh mở rộng có lấy hết đất tôi sẵn sàng chấp nhận. Không phải là cán bộ to nhưng tôi cũng nhận thức đúng trách nhiệm của mình trước xã hội, biết đâu là lợi ích chung, đâu là lợi ích cá nhân đôi khi mình phải nhận phần thiệt thòi. Nhưng những thiệt thòi đó không ăn thua gì so với các đồng chí đã chiến đấu, hinh sinh để bảo vệ tổ quốc.
Tôi nghĩ thế này, một chế độ nào đó được ưu tiên cho chúng tôi ngoài chính sách chung của Đảng và Nhà nước thì trong lòng chúng tôi cũng cảm thấy thế nào đó rồi. Còn tự nhiên ông A, ông B, ông C có đóng góp thế này, thế kia cho xã hội được ưu tiên đến mức bẻ cong cả con đường thì làm sao mà mình có thể chấp nhận được vì điều đó sẽ mang tiếng suốt đời.
Dư luận thông tin như vậy có khiến ông băn khoăn điều gì không?
Sự việc trước tiên từ một vài cá nhân thấy chỗ này thu nhiều, chỗ kia thu ít nên họ gửi đơn từ đến cơ quan chức năng. Cùng với đó là một số tờ báo chưa hiểu hết mà cứ nghe chỗ này, chỗ kia rồi thổi phồng lên tạo thành sự ồn ào lớn. Cái đó khiến chúng tôi băn khoăn, bức xúc nhưng giờ xã hội dân chủ - người ta có quyền nói, còn mình biết thế nhưng thông cảm mà thôi.
Xin cảm ơn ông!
Theo Quang Phong