Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là Chủ tịch G20 năm 2023. (Ảnh: Aljazeera) |
Trung Quốc và Pakistan đều chỉ trích việc Ấn Độ chọn Kashmir làm nơi tổ chức sự kiện, khi vùng đất với phần đông dân số là người Hồi giáo đang là nơi tranh chấp giữa New Delhi và Islamabad.
Cả hai nước đều có yêu sách với toàn bộ dải đất này, nhưng mỗi bên hiện chỉ quản lý một phần. Ấn Độ và Pakistan trải qua ba cuộc chiến tranh vì Kashmir kể từ khi độc lập khỏi Anh năm 1947.
Ấn Độ, nước chủ tịch G20 năm nay, đã tổ chức hàng loạt hội nghị trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại New Delhi vào tháng 9.
“Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc tổ chức bất kỳ cuộc họp G20 nào ở lãnh thổ tranh chấp, và sẽ không dự những cuộc họp như vậy”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố ngày 19/5.
Quan hệ Ấn Độ - Pakistan đóng băng từ năm 2019, sau khi New Delhi chấm dứt quy chế đặc biệt của bang Jammu và Kashmir để chuyển thành một vùng đất liên bang.
Ấn Độ tách bang này thành hai lãnh thổ liên bang, Jammu và Kashmir, và Ladakh. Một phần lớn của Ladakh đang do Trung Quốc kiểm soát.
Phần đất thuộc Kashmir mà Ấn Độ kiểm soát trải qua nhiều thập kỷ rối ren, vì lực lượng phiến quân nổi dậy đòi độc lập hoặc sáp nhập vào Pakistan. Hàng chục ngàn người dân, binh lính và tay súng nổi dậy thiệt mạng trong những cuộc xung đột ở đây.
Quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh vẫn căng thẳng từ cuộc đụng độ chết người ở Ladakh năm 2020, trong đó 24 binh lính thiệt mạng.
Srinagar, thủ phủ của Jammu và Kashmir, được Ấn Độ chọn làm nơi diễn ra hội nghị của các quan chức cấp làm việc về du lịch của G20 từ ngày 22-24/5.