Ấn Độ hủy bỏ quyền tự trị của vùng Kashmir bất ổn

An ninh Ấn Độ tại một địa điểm kiểm tra ở Jammu, tháng ngày 5/8/2019 Ảnh: Reuters
An ninh Ấn Độ tại một địa điểm kiểm tra ở Jammu, tháng ngày 5/8/2019 Ảnh: Reuters
TP - Hôm qua, Ấn Độ đã hủy bỏ cơ chế đặc biệt dành cho vùng Kashmir trong nỗ lực “tích hợp hoàn toàn” khu vực có người Hồi giáo chiếm đa số duy nhất của nước này với phần còn lại của quốc gia. Đây được xem là động thái chính trị mạnh mẽ nhất đối với vùng lãnh thổ thuộc khu vực Himalaya trong gần 7 thập kỷ qua luôn tồn tại bất ổn.

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah nói trước quốc hội rằng chính phủ liên bang sẽ bỏ điều khoản 370 trong hiến pháp cho phép vùng Jammu&Kashmir được quyền tự trị, được có hệ thống luật pháp riêng.

“Hiến pháp Ấn Độ sẽ được áp dụng cho cả bang Jammu&Kashmir,” bộ trưởng Shah nói trong tiếng la ó phản đối của các nghị sỹ đối lập, những người chống lại việc bãi bỏ này.

Chính phủ Ấn Độ dịp này cũng bãi bỏ lệnh cấm mua tài sản (bất động sản) đối với người bên ngoài bang Jammu&Kashmir, mở đường cho các nhà đầu tư Ấn Độ đổ tiền vào, định cư ở Jammu&Kashmir như các vùng khác trên lãnh thổ nước này, một biện pháp được cho là có thể dẫn đến phản ứng mạnh từ hai vùng đất nói trên.

Hàng chục ngàn người đã chết trong các cuộc nổi loạn vũ trang chống lại sự cai trị của người Ấn Độ kể từ năm 1989 và chính phủ liên bang đã phải triển khai hàng trăm ngàn quân để đàn áp.
Động thái mới của Ấn Độ đã làm gia tăng căng thẳng với nước láng giềng Pakistan, quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền đối với vùng Kashmir và yêu cầu Ấn Độ trao cho người dân Kashmir quyền tự quyết.

Cả Ấn Độ với người theo đạo Hindu chiếm đa số và quốc gia Hồi giáo Pakistan, nước cũng như Ấn Độ sở hữu vũ khí hạt nhân, đều tuyên bố chủ quyền đối với Kashmir vùng đất có đa số là người Hồi giáo này. Vì vấn đề Kashmir, hai quốc gia láng giềng đã hai lần động binh kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1947. “Hôm nay là ngày đen tối nhất trong nền dân chủ Ấn Độ, Mehbooba Mufti, cựu bộ trưởng bang Jammu&Kashmir được Reuters dẫn lời. “Việc này sẽ dẫn đến những hậu quả thảm họa”, bà  Mufti nói.

Các điều khoản bị bãi bỏ hôm qua đã được lần đầu đưa ra áp dụng nhiều thập kỷ, bao gồm cả việc bố trí một số ghế trong chính phủ, một số vị trí trong trường đại học cho người của bang Jammu&Kashmir. Mục tiêu là để khu vực này không bị người ở khu vực khác của Ấn Độ khuynh loát.

Việc bãi bỏ cơ chế đặc biệt dành cho Kashmir có thể châm ngòi các cuộc chiến chính trị và pháp lý, Happymon Jacob, giáo sư đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi nói.

“Xét về mặt chính trị, nó mang lại lợi thế cho đảng BJP”, giáo sư Jacob nói vậy khi đề cập đảng cầm quyền mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của người Hindu Bharatiya Janata Party (BJP) từ lâu đã vận động để chấm dứt cơ chế đặc biệt dành cho vùng Kashmir.

Thủ tướng Narendra Modi và các cộng sự đã vận động cho một sự thay đổi chính trị mang tính cách mạng ở Jammu&Kashmir từ trước khi ông tái đắc cử hồi tháng 5. Ông cho rằng các điều luật cũ đã cản trở  bang này hòa nhập với phần còn lại của đất nước.

Ram Madhav, tổng thư ký đảng BJP khi đề cập hành động của chính phủ đã mô tả hôm qua là “ngày vinh quang” và việc ăn mừng đã được lên kế hoạch ở khắp Ấn Độ.

Chính phủ cũng nói sẽ chia bang Jammu&Kashmir thành hai đơn vị- Jammu&Kashmir và Ladakh, bộ trưởng Shah nói.

Chính phủ Ấn Độ thông báo sự thay đổi đối với khu vực chỉ ít giờ sau khi một đợt trấn áp mới được khởi động ở Kashmir.

Ở vùng Kashmir, phần do Pakistan quản lý, đang có tâm lý giận dữ nhằm vào Ấn Độ, và cả chính phủ Pakistan, do đã không ngăn chặn được động thái mới từ New Delhi.

“Chúng tôi phản đối và lên án quyết định của Ấn Độ. Người dân Kashmir sẽ không bao giờ chấp nhận nó”, Iqbal Awan, một người di cư đến từ vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát nói khi chuẩn bị tham gia biểu tình ở Muzaffarabad, thủ phủ của vùng Jammu và Kashmir phần do Pakistan kiểm soát.

Về phần mình, chính phủ Pakistan đã “lên án mạnh mẽ” quyết định của Ấn Độ. “Là một bên của tranh chấp mang tính quốc tế, Pakistan sẽ thực hiện mọi khả năng để đối đầu với bước đi phi pháp này”, ngoại trưởng Pakistan nói trong một tuyên cáo.

MỚI - NÓNG