Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 tại Ấn Độ, ngày 25/2. (Ảnh: Reuters) |
Thay vào đó, sau khi hội nghị diễn ra trong hai ngày ở Bengaluru, nước chủ nhà Ấn Độ đưa ra bản “tóm tắt của chủ tịch”, trong đó tuyên bố “hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine” và đã có “những đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt”.
Một chú thích cho biết hai đoạn trong bản tóm tắt nói về cuộc xung đột “đã được tất cả các thành viên đồng ý, ngoại trừ Nga và Trung Quốc”.
Đại diện Tây Ban Nha Nadia Calvino trước đó cho biết, vì một số nước có cách tiếp cận “không mang tính xây dựng”, nên việc đồng ý với tuyên bố chung gặp khó khăn.
Trung Quốc muốn thay đổi ngôn ngữ trong dự thảo tuyên bố chung có từ tháng 11 năm ngoái, một số quan chức tiết lộ với báo chí. Một quan chức giấu tên cho biết, Bắc Kinh không muốn sử dụng từ “chiến tranh”.
Cuộc họp của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 trước đây cũng không ra được tuyên bố chung, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trung Quốc duy trì quan điểm trung lập đối với cuộc xung đột, trong khi vẫn giữ quan hệ gần gũi với đồng minh chiến lược Nga.
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị vừa có chuyến thăm Mátxcơva để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Ông Lavrov dự kiến sẽ dự hội nghị ngoại trưởng G20 tại New Delhi trong tuần tới.
Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua dẫn lời ông Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng “làm sâu sắc lòng tin chính trị” và “tăng cường phối hợp chiến lược” với Nga.
Nước chủ nhà G20 Ấn Độ cũng từ chối chỉ trích Nga và việc thảo luận biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Mátxcơva.
Các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Đức và Pháp, yêu cầu ngôn ngữ trong bất kỳ tuyên bố chung nào cũng không được yếu hơn tuyên bố chung mà các lãnh đạo G20 đưa ra tại Indonesia vào tháng 11 năm ngoái.
Bên cạnh vấn đề Ukraine, hội nghị vừa qua cũng bàn việc xoá nợ cho các nước nghèo chịu tác động nặng nề của tình trạng lạm phát tăng vọt.
Trước khi hội nghị diễn ra, Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết, khoảng 15% quốc gia thu nhập thấp đang nợ nần chồng chất và 45% có nguy cơ cao.
Các quan chức phương Tây, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, kêu gọi Trung Quốc giảm nợ cho các nước như Zambia và Sri Lanka.
Trung Quốc muốn các định chế đa phương như Ngân hàng Thế giới cũng phải tái cấu trúc nợ, nhưng Mỹ và một số nước phản đối điều này.
Một số vấn đề khác được bàn tại hội nghị này bao gồm nỗ lực đánh thuế toàn cầu đối với các tập đoàn công nghệ, mở rộng phạm vi cấp vốn của các ngân hàng phát triển đa phương như Ngân hàng Thế giới để giúp đỡ những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.