Sứ mệnh chinh phục Mặt trăng của Trung Quốc có thể đem một phần bộ phim khoa học viễn tưởng đó đến gần thực tế hơn nếu thành công với thí nghiệm trồng hoa trên Mặt trăng trong thời gian dưới 100 ngày, một thí nghiệm mà Cơ quan hàng không quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ sớm được phát sóng trên truyền hình.
Khi tàu vũ trụ Hằng Nga-4 hạ xuống nửa xa của Mặt trăng hôm 3/1, trong những dụng cụ nó mang theo có một thùng kín gọi là “Chu kỳ sinh thái vi mô trên Mặt trăng”.
Chiếc thùng cao 18cm, đường kính 16cm này làm từ hợp kim nhôm, bên trong chứa trứng sâu tằm cùng hạt giống khoai tây và một loại cải xoong.
Nó chỉ nặng 3kg như tiêu tốn hơn 10 triệu tệ (hơn 34 tỷ đồng), và chỉ riêng chiếc camera bên trong cũng tốn hơn 600.000 tệ.
Nếu mọi thứ suôn sẻ, hai loại hạt này sẽ nảy mầm và mọc rễ trong chiếc thùng, đơm bông hoa đầu tiên trên Mặt trăng trước khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm 100 ngày, theo Cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc.
Trong thời gian đó, những quả trứng sâu tằm sẽ hoàn thành đủ một vòng đời, từ nở trứng đến biến thành nhộng.
Nhưng đây không phải những bông hoa đầu tiên trong vũ trụ. Vào ngày 16/1/2016, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ đã chia sẻ bức ảnh về cây hoa cúc ngũ sắc nở hoa trong hệ thống thực vật trên Trạm vũ trụ quốc tế, cách Trái đất 300km.
Trồng cây trong điều kiện đó không hề dễ dàng. Nhiệt độ trên bề mặt Mặt trăng có thể lên tới hơn 100 độ C vào ban ngày và rơi xuống -100 độ C vào ban đêm. Phóng xạ từ mặt trời và trạng thái trọng lực thấp cũng gây khó khăn cho cây cối.
GS Xie Gengxin, nhà khoa học Trung Quốc phụ trách thí nghiệm trồng cây trên Mặt trăng, nói rằng nếu thành công, dự án này sẽ là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang bắt kịp cuộc đua chinh phục vũ trụ, nhật báo Thanh niên Bắc Kinh đưa tin.
GS Xie nói điều đó sẽ đặt nền tảng cho sứ mệnh đưa con người ra ngoài vũ trụ sinh sống.
Ông Xie cho biết nhóm của ông đã thiết kế bình chứa để nó có thể duy trì nhiệt độ từ 1-30 độ C, cho phép ánh sáng tự nhiên lọt vào và cung cấp nước cũng như chất dinh dưỡng cho cây.
Sâu tằm sẽ dùng khí oxy do cây giải phóng, rồi chúng thải ra khí carbon điôxit và phân để nuôi cây. Ông Xie cho biết một thí nghiệm tương tự sẽ được thực hiện trên Trái đất để so sánh.