Trung Quốc toan tính gì trên Mặt trăng?

Mô hình vệ tinh chuyển tiếp Hằng Nga 4 (phải) và tàu thăm dò Mặt trăng được trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải 2018. (Ảnh: Kin Cheung)
Mô hình vệ tinh chuyển tiếp Hằng Nga 4 (phải) và tàu thăm dò Mặt trăng được trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải 2018. (Ảnh: Kin Cheung)
TPO - Sử dụng chiêu thức “hiện diện trước” để “nhận phần” các khu vực giàu tài nguyên, năng lực và sự quyết tâm trở thành nước đầu tiên chinh phục nửa tối của Mặt trăng nhằm thiết lập hiện diện lâu dài sẽ tạo ra sức mạnh để Trung Quốc có thể đặt ra luật chơi ngoài không gian.

Đến năm 2019, Trung Quốc sẽ trở thành nước đầu tiên trên Trái đất đưa tàu thám hiểm lên khám phá nửa tối của Mặt trăng. Ngày 8/12 vừa qua, Trung Quốc phóng tàu thăm dò Hằng Nga 4 bằng tên lửa Trường Chinh 3b từ Trung tâm vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên. Cuối năm nay, Trung Quốc dự tính sẽ hạ cánh tàu thăm dò này xuống miệng núi lửa Von Kármán ở lưu vực Aitkin, nơi có băng Mặt trăng.

Ông Jun Huang, công tác tại Trường Khoa học Trái đất thuộc Đại học địa chất Trung Quốc ở Vũ Hán, cùng các đồng nghiệp đã giải thích về trọng tâm của chuyến hạ cánh này trong một bài viết đăng trên Tạp chí nghiên cứu địa vật lý.

Trong khi báo chí phương Tây thường bỏ qua hoặc cố “dìm hàng” những thành tựu vũ trụ của Trung Quốc, bao gồm cả tàu vũ trụ Hằng Nga 4, nhưng Trung Quốc một lần nữa lại chứng tỏ họ cực kỳ nghiêm túc theo đuổi thời hạn đặt ra cho tham vọng chinh phục vũ trụ.

Tham vọng đưa tàu thăm dò lên nửa tối của Mặt trăng được các cơ quan vũ trụ Trung Quốc đề ra từ nhiều năm trước, và năm 2018 đã được chọn là năm họ thực hiện sứ mệnh này.

Nhiệm vụ đưa tàu thám hiểm lên nửa tối của Mặt trăng vấp phải nhiều thách thức kỹ thuật, ví dụ như phải làm sao để duy trì liên lạc radio trực tiếp khi Mặt trăng nằm thẳng hàng với tàu thăm dò và Trái đất. Để giải quyết thách thức đó, Trung Quốc phóng vệ tinh chuyển tiếp Quế Kiều vào tháng 5 năm nay và định vị nó trong quỹ đạo Halo tại điểm L2, tức điểm Lagrange L2 giữa Trái đất và Mặt trăng.

Điều này sẽ giúp chuyển tín hiệu về các trạm trên Trái đất thông qua ăng-ten băng tần S. Ngoài ra, dữ liệu băng tần X sẽ được tận dụng để tạo ra đường liên lạc giữa tàu đổ bộ và tàu thăm dò. Việc Trung Quốc đặt tên Hằng Nga cho con tàu và tên Quế Kiều cho vệ tinh gợi lên mối liên hệ xã hội sâu sắc với những sứ mệnh đó.

Tham vọng chinh phục Mặt trăng và vũ trụ của Trung Quốc ngày càng tăng, với mục tiêu thiết lập một trạm nghiên cứu của người Trung Quốc trên Mặt trăng và phát triển các hệ thống hỗ trợ sinh học để bảo đảm rằng con người có thể đáp xuống và sống sót trong điều kiện của Mặt trăng. Năm 2017, ĐH Hàng không Bắc Kinh tạo ra phòng nghiên cứu Mặt trăng mang tên Cung Trăng hay Nguyệt cung 1, mô phỏng bề mặt Mặt trăng trên Trái đất. 8 sinh viên đã sống trong các điều kiện tương tự trên Mặt trăng trong 365 ngày. Ông Liu Hong, kỹ sư sư trưởng của dự án, nói rằng cuộc thử nghiệm này “đánh dấu thời gian ở dài nhất của con người trong hệ thống hỗ trợ sống sinh học mà trong đó con người, động vật, cây cối và vi sinh vật cùng tồn tại trong một môi trường kín, tương tự một căn cứ trên Mặt trăng.

Oxi, nước và thức ăn đều được tái chế trong hệ thống tương tự môi trường Trái đất này. Các sinh viên sống trong đó đã trồng khoai tây, lúa mì, cà rốt, đậu và hành tây. Theo ông Wang Ju, công tác tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, thí nghiệm này có hàm ý quan trọng đối với những tham vọng của con người nhằm đạt được mục tiêu cư trú ở một nơi khác ngoài Trái đất, đặc biệt là mục tiêu lập căn cứ trên Mặt trăng. Các hệ thống hỗ trợ sinh học tương tự nhưng nhỏ hơn sẽ được Trung Quốc đưa lên Mặt trăng hoặc sao Hỏa trong tương lai để thử nghiệm mức độ chịu đựng trong môi trường vũ trụ thực tế.

Điều đáng kể là Trung Quốc đã chứng tỏ rằng sinh sản là điều có thể xảy ra trong vũ trụ khi vệ tinh S-J 10 của họ đưa 6.000 phôi thai chuột lên vũ trụ vào năm 2016. Một số phôi thai trong số đó đã phát triển thành phôi nang trong 4 ngày. GS Aaron Hsueh, một chuyên gia về sinh sản tại Đh Stanford (Mỹ), đánh giá đây là cột mốc quan trọng trong hành trình chinh phục vũ trụ của con người.

Lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẽ chú trọng và dành nguồn lực để phát triển cả năng lực (dân sự và quân sự) và tính chính danh cho các sứ mệnh chinh phục vũ trụ của họ. Đối với nước này, việc chinh phục vũ trụ cũng giống các hoạt động thăm dò Nam cực của họ hiện nay, là mở đường cho khả năng khai thác tài nguyên trên Mặt trăng và các tiểu hành tinh.

Các cơ quan tổ chức khám phá vụ trũ của Trung Quốc như Tập đoàn Khoa học công nghệ vũ trụ Trung Quốc (CASTC) và Cục Vũ trụ quốc gia (CNSA) đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà nước và được giao nhiệm vụ đặt ra các chính sách vũ trụ. Theo lộ trình của họ, trong giai đoạn 2020-2045, Trung Quốc sẽ đạt được các dấu mốc quan trọng trong công nghệ vũ trụ. Mục tiêu của họ là đưa tàu thăm dò lên sao Hỏa vào năm 2020, tàu thăm dò tiểu hành tinh vào năm 2022, thăm dò sao Mộc năm 2029, tên lửa tái sử dụng vào năm 2035 và tàu thăm dò vũ trụ chạy bằng nhiên liệu hạt nhân vào năm 2040.

Trong một bài đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Viện công nghệ thiết bị phóng (CALVT) Trung Quốc nêu rõ rằng tàu vũ trụ chạy bằng nhiên liệu hạt nhân sẽ cho phép chở nhiều đồ hơn, giúp nước này khám phá và khai thác thương mại các tài nguyên thiên nhiên trong vũ trụ vào năm 2040.

GS Wang Chunghui, phó giáo sư ngành công nghệ đẩy tại ĐH Hàng không Bắc Kinh, từng nói: “Các tàu hạt nhân được chế tạo để chinh phục hệ Mặt trời và xa hơn nữa”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xác định sứ mệnh chính phục vũ trụ là một ưu tiên của Đảng.Tầm quan trọng của sứ mệnh này đối với ĐCS Trung Quốc thể hiện ở việc các nhà khoa học vũ trụ và các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực này đóng vai trò và tiếng nói lớn trong Đại hội đảng lần thứ 19 diễn ra năm ngoái. Nhiều nhà nhà khoa học vũ trụ nước này đã được bổ nhiệm vào nhiều vị trí chính trị quan trọng sau những thành công của họ.

Không lâu nữa chúng ta sẽ thấy Trung Quốc hiện diện lâu dài trên Mặt trăng khi nước này liên tục đạt được mục tiêu đề ra của họ, trong đó có sứ mệnh phóng tàu Hằng Nga 4.

Sử dụng chiêu thức “hiện diện trước” để “nhận phần” các khu vực giàu tài nguyên, năng lực và sự quyết tâm trở thành nước đầu tiên chinh phục nửa tối của Mặt trăng nhằm thiết lập hiện diện lâu dài sẽ tạo ra sức mạnh để Trung Quốc có thể đặt ra luật chơi ngoài không gian.

Theo Diplomat
MỚI - NÓNG