Trung Quốc 'phá trận' xoay trục của Mỹ

Trung Quốc 'phá trận' xoay trục của Mỹ
TP - Theo báo New York Times (Mỹ), giới chức Mỹ lo kế hoạch kiềm chế Trung Quốc của họ có thể trật đường ray. Tranh chấp ở biển Hoa Đông trở thành cái cớ cho vấn đề rộng lớn hơn rằng, ai sẽ là người áp đặt ảnh hưởng tại khu vực địa chính trị quan trọng này.

> Xem hạm đội Mỹ, Nhật luyện quân trên biển
> Mỹ sát cánh Nhật phản đối vùng phòng không

Mỹ khẳng định vị thế cường quốc Thái Bình Dương với chính sách “xoay trục” . Ảnh: US Navy
Mỹ khẳng định vị thế cường quốc Thái Bình Dương với chính sách “xoay trục”. Ảnh: US Navy.

Ngày 4/12, Nhật Bản thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia theo kiểu Mỹ, nhằm đẩy nhanh việc ra các quyết sách liên quan quốc phòng để đối phó các thách thức an ninh trong bối cảnh đang có nhiều diễn biến phức tạp trong khu vực.

Nhật Bản đã lên kế hoạch thiết lập một căn cứ quân sự mới trên đảo nhỏ không người ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào năm 2016.

Nhật Bản cũng dự kiến triển khai thêm nhiều chiến đấu cơ F-15S, các máy bay cảnh báo sớm tại Okinawa, một tàu sân bay trực thăng tối tân và lần đầu tiên mua máy bay không người lái của Mỹ để giám sát khu vực.

Theo báo Mỹ, đây là thay đổi chiến lược quân sự của Nhật Bản, tập trung bảo vệ nhóm đảo phía tây nam và nhằm vào Trung Quốc. Nó cho thấy sự thay đổi nhận thức quốc gia cơ bản, hướng tới một Nhật Bản quyết tâm hơn và có đủ khả năng tự vệ trước các nguy cơ an ninh kể từ Thế chiến thứ hai, một phần do thái độ mập mờ nước đôi trong cam kết của Mỹ đối với khu vực.

Hàn Quốc đang xây dựng một căn cứ hải quân mới dành cho 20 chiến hạm, kể cả tàu ngầm, nói rằng cần phải bảo vệ tuyến hàng hải ở biển Hoa Đông.

Nhiều chuyên gia quốc phòng - ngoại giao nhận định, Trung Quốc đã tỏ ra quá đà với sự kiện lập vùng xác định phòng không trên biển Hoa Đông và phái tàu sân bay ra biển Đông.

Giới chức Mỹ lo ngại một sự cố nhỏ, như vụ va chạm giữa máy bay trinh sát Mỹ với máy bay chiến đấu Trung Quốc ở đảo Hải Nam trên biển Đông trước đây, sẽ khiến tình hình nhanh chóng xấu đi.

Một cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận xét: “Họ nói đó là hành động đáp trả cố gắng kiềm chế họ của chúng ta, nhưng phân tích cho thấy thực tế họ đang cố hất sự hiện diện của chúng ta khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Tham vọng cường quốc biển

Năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tin rằng, mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là đẩy Mỹ ra khỏi “chuỗi đảo thứ hai” trên Thái Bình Dương, giữ cho máy bay và tàu chiến Mỹ xa khu vực xung quanh bờ biển Trung Quốc.

Hai năm sau, giới chức Mỹ không tuyên bố công khai quan điểm trên, nhưng thể hiện trong các đánh giá tình báo về tiềm lực quân sự Trung Quốc.

Giờ đây, chính quyền Obama đang phải cố gắng cắt nghĩa từng động thái mới của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Việc lập vùng xác định phòng không trên biển Hoa Đông được xem là bước đi đầy tính toán.

Trước khi lên đỉnh quyền lực, ông Tập lãnh đạo một nhóm đảm trách giải quyết các vấn đề biển, chịu trách nhiệm chính về tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Sau khi nắm chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước, ông Tập lập tức đi thăm một số đơn vị quân đội quan trọng, kể cả các cảng nơi Trung Quốc đang ráo riết xây dựng hạm đội viễn dương - một chỉ báo khác của chiến lược dài hạn, mở rộng quyền lực và lợi ích trên khu vực tây Thái Bình Dương.

Theo Xinhua, trong hội nghị Bộ Chính trị mùa hè vừa qua, ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc phải trở thành cường quốc biển.

Tuần san châu Á tại Hong Kong, một tờ báo thạo tin về chính sách đối ngoại Trung Quốc thường rò rỉ thông tin nội bộ ở Bắc Kinh, mô tả việc áp đặt vùng xác định phòng không như “bước đột phá chiến lược không-biển” đối với Trung Quốc.

Tin đọc thêm:

>Hải quân Iran mạnh nhất Trung Đông?

>Nga, Mỹ xuất khẩu bao nhiêu vũ khí năm 2013?

>Trung Quốc sản xuất hàng loạt ‘Cá mập bay’

>Quân đội Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo với 'Kẻ hủy diệt'

Theo tuần báo này, ông Tập Cận Bình thông qua quyết định này 4 tháng trước đây. Trung Quốc xem đây là bước đột phá qua chuỗi đảo thứ nhất, kéo từ phía bắc Nhật Bản, qua Đài Loan xuống tới Philippines, để tiến ra đại dương.

Theo các nhà phân tích, Nhà Trắng đang phải đối mặt nhiệm vụ phức tạp và dài hạn hơn nhiều: Hiện thực hóa cam kết chiến lược “xoay trục” về châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ sẽ phải thuyết phục Quốc hội và các đồng minh trong khu vực rằng sẽ dành nhiều quan tâm hơn về quân sự, ngoại giao, kinh tế cho chiến lược này, để bảo vệ và khuếch trương vai trò giữ gìn an ninh, hòa bình ở châu Á-Thái Bình Dương.

Đây sẽ là thách thức thật sự trong bối cảnh Mỹ buộc phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, vướng bận với hàng loạt vấn đề đối nội, chưa kể vấn đề Iran, Syria, Trung Đông…

Ngày 4/12, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tới Bắc Kinh. Theo lịch trình, ông Biden có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, nêu quan ngại của Mỹ về những căng thẳng xung quanh vùng xác định phòng không ở biển Hoa Đông, đề nghị Trung Quốc đối thoại với Nhật Bản và Hàn Quốc để thiết lập cơ chế quản lý khủng hoảng, xây dựng lòng tin nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Đặng Vương Hạnh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.