Ngày 26/11, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời đại diện Cơ quan Liên bang Nga về hợp tác kỹ thuật-quân sự (FSMTC) khẳng định nước này chưa ký kết hợp đồng với Trung Quốc về cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-400. Trong khi đó hãng RIA Novsoti dẫn tuyên bố của người đại diện FSMTC, phụ trách giám sát lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật, nói rằng vấn đề cung cấp tên lửa mới của Nga cho Trung Quốc hiện vẫn chưa giải quyết xong.
Tuy nhiên cùng ngày, báo Vedomosti cùng nhiều tờ báo khác của Nga dẫn nguồn trong tổ hợp công nghiệp-quốc phòng và Bộ Quốc phòng Nga thông báo nước này và Trung Quốc đã ký hợp đồng trị giá hơn 3 tỷ USD, theo đó Trung Quốc sẽ nhận được sáu hệ thống tên lửa tiên tiến S-400.
Tổ hợp phòng không S-400
Thông tin này là quá bất ngờ với nhiều người bởi quá trình đàm phán giữa Nga và Trung Quốc đã kéo dài trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa đạt được kết quả, trước đó Nga cũng từng thông báo sẽ không xuất khẩu hệ thống S-400 cho bất cứ khách hàng nào trước năm 2016.
Báo Kommersant (Nga) dẫn lời Giám đốc công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, Anatoly Isaykin hồi đầu năm 2014 cho biết, do nhu cầu của Quân đội Nga còn rất lớn nên từ nay tới năm 2016, các nhà máy trong nước sẽ chỉ tập trung chế tạo S-400 theo hợp đồng với Bộ Quốc phòng. Rosoboronexport cũng gửi lời xin lỗi tới các khách hàng tiềm năng đặt mua S-400 từ trước.
Theo một số nguồn tin, hiện ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang lên kế hoạch ra mắt phiên bản xuất khẩu của S-400 (cắt giảm tính năng so với phiên bản nội địa).
Tuy không nói cụ thể nhưng theo một số nguồn tin, nhiều khả năng, khi S-400 được phép xuất khẩu thì Belarus và Kazakhstan mới là các quốc gia đầu tiên có S-400 theo khuôn khổ thỏa thuận thành lập khu vực phòng không hợp nhất với Nga chứ không phải là Trung Quốc.
Sức mạnh S-400
Trước đó, vào mùa Xuân năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt kế hoạch chuyển giao S-400 cho Trung Quốc. Tiếp đó, giới chức Moscow cũng khẳng định rằng, Bắc Kinh sẽ trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của tổ hợp siêu tên lửa này.
S-400 là hệ thống thế hệ mới tầm xa và tầm trung, được thiết kế để tiêu diệt tất cả các phương tiện tấn công phòng không vũ trụ hiện tại và tương lai, máy bay trinh sát, máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa chiến thuật và tên lửa đạn đạo tầm trung, mục tiêu siêu thanh và máy bay giám sát radar và máy bay điều khiển.
Trước đây S-400 được biết đến với cái tên S-300PMU-3 tích hợp nhiều tính năng kỹ chiến thuật vượt trội, hơn hẳn so với các phiên bản S-300 trước đó như S-300PMU1, S-300PMU2. S-300V… với tầm bắn hiệu quả lớn gấp 2 lần hệ thống tên lửa Patriot MIM-104 của quân đội Mỹ.
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 có thể phát hiện được các mục tiêu trên không ở cự ly cách xa 250 dặm (400 km) như các loại phi cơ ném bom - chiến đấu, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
S-400 được thiết kế để phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng, tương tự như hệ thống S-300. Sau khi phóng tên lửa bay theo hướng nghiêng phía mục tiêu định tiêu diệt, như vậy có thể đáp trả các đòn tấn công tập kích đường không của địch trên mọi hướng.
Một trong những đặc tính khiến S-400 Triumf trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
Bức bách bán tên lửa
Việc Nga gấp gáp xuất khẩu hệ thống S-400 cho Trung Quốc có nhiều cách lý giải khác nhau, tuy nhiên cách lý giải hợp lý nhất vào thời điểm hiện tại là vì nguồn tài chính.
Moscow đang tìm cách đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ Nga-Liên minh Châu Âu (EU) trở nên căng thẳng. EU đã áp dụng một loạt lệnh trừng phạt lên các quan chức và công ty Nga nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014 và những cáo buộc Nga có liên quan đến bất ổn tại Đông Ukraine.
Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn nguồn tin từ hai quan chức cao cấp của Chính phủ Nga cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đang có kế hoạch mở cửa cho các dòng vốn từ Trung Quốc. Thông tin này được hé lộ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga do vấn đề Ukraine đang có nguy cơ đẩy kinh tế Nga rơi vào suy thoái.
Theo nguồn tin trên, Nga sẽ rút các giới hạn không chính thức về vốn đầu tư của Trung Quốc vào nước này. Moscow đang muốn thu hút vốn từ Trung Quốc vào một loạt lĩnh vực, từ nhà đất, xây dựng cơ sở hạ tầng tới khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực quan trọng sẽ không được tiếp nhận vốn Trung Quốc, bao gồm các ngành khai thác vàng, bạch kim và kim cương, cùng các dự án công nghệ cao.
Về năng lượng, nếu như trước đây một vài năm, Moscow và Bắc Kinh còn cò kè bớt một thêm hai về giá của một thùng dầu, thì hiện tại, vấn đề giá cả này có lẽ sẽ được thông qua một cách nhanh chóng, một khi họ đã là hàng xóm tốt qua thỏa thuận chung giữa hai nguyên thủ.
Nga giải quyết cho Trung Quốc cơn khát năng lượng, còn Trung Quốc dùng đồng Nhân dân tệ cứu kinh tế Nga trước đòn trừng phạt. Trước những thông tin trên, giới phân tích cho rằng, Nga có nhiều thứ Trung Quốc thèm, còn Trung Quốc chỉ có một thứ duy nhất Nga cần: tiền, rất nhiều tiền.