Theo hãng tư vấn an ninh và quốc phòng IHS Jane’s, chi tiêu quốc phòng ở khu vực châu Á, Trung Đông đang tăng mạnh, trong khi quân đội châu Âu và Mỹ phải giảm mạnh quy mô vì phải giảm chi tiêu, dẫn đến sự thay đổi dần về cán cân sức mạnh quân sự.
Dự báo này được đưa ra hôm qua, trong khi Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen quả quyết rằng, ảnh hưởng của phương Tây trên vũ đài thế giới đang giảm dần vì phải giảm chi tiêu quân sự. Ông Rasmussen bày tỏ lo ngại rằng, việc Mỹ và châu Âu giảm ngân sách quốc phòng, trong khi Nga và Trung Quốc tăng mạnh sẽ dẫn đến tình trạng “tiếp tục chuyển dịch trọng tâm chi tiêu quốc phòng xuống phía nam và sang phía đông”.
Theo số liệu thống kê mới nhất, mức chi tiêu quốc phòng toàn cầu sẽ tăng nhẹ lên hơn 1.500 tỷ USD trong năm nay, sau 4 năm liên tục giảm từ mức kỷ lục 1.630 tỷ USD năm 2009. Kế hoạch chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ lần đầu tiên vượt mức của Anh, Pháp và Đức cộng lại.
Bắc Kinh dành 148 tỷ USD để phát triển quốc phòng, tăng hơn 6% so với năm trước và tiếp tục đà tăng liên tục trong vài năm qua. Trong khi đó, mức 573 tỷ USD ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn đứng ở vị trí cao nhất, nhưng giảm 1,3% so với năm ngoái. Chi tiêu quốc phòng của Anh giảm 3,6% xuống 57 tỷ USD, đứng thư tư sau Trung Quốc và Nga.
Trung Quốc đang tăng ngân sách để hiện đại hóa lực lượng, cùng với việc nâng cấp và thay thế hàng loạt thiết bị quân sự, trong giai đoạn đang căng thẳng với nhiều nước láng giềng. Ông Craig Caffrey, chuyên gia phân tích cao cấp của IHS Jane’s, cho rằng, ngân sách của Trung Quốc tăng song song với “sức mạnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu của họ chứ không phải dấu hiệu của sự hiếu chiến”.
Tuy nhiên, ông Caffrey cho rằng “có lý do để lo ngại về quy mô và tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng sẽ gây mất ổn định ở mức độ nào đó do sự ngờ vực giữa các nước láng giềng, và ở chừng mực nào đó sẽ thúc đẩy các nước trong khu vực cũng tăng ngân sách quốc phòng”. Trong số các nước châu Á - Thái Bình Dương khác đang tăng đầu tư cho quốc phòng có Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc.
Nga là nước có mức tăng chi tiêu quốc phòng mạnh nhất, với mức tăng hơn 44% trong vòng 3 năm tới, với số tiền 78 tỷ USD dành để hiện đại hóa lực lượng, cho dù tăng trưởng kinh tế chậm lại. Ông Barry Pavel, cựu quan chức quốc phòng cấp cao trong Nhà Trắng, cho rằng, việc Nga tăng chi tiêu quốc phòng dường như chỉ là “hiện tượng tạm thời” dựa trên giá dầu, còn việc “tăng dài hạn và bền vững” của Trung Quốc mới là “vấn đề quan trọng hơn cần quan sát”.
Mới đây, tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich (Đức), cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu: “Châu Á đang trong bối cảnh châu Âu thế kỷ 19 và không thể loại trừ giả thiết về một cuộc xung đột quân sự. Đối với chúng ta, trong cuộc chơi giữa Nhật Bản và Trung Quốc, không một bên nào được viện đến vũ lực để giải quyết vấn đề”.
Thục Ninh
theo Echos