Tháng 7/2014, Tòa án trọng tài quốc tế tại The Hague xử tranh chấp trên biển giữa Ấn Độ và Bangladesh đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ tranh chấp phân định biên giới biển kéo dài suốt 40 năm giữa Ấn Độ và Bangladesh ở khu vực thuộc vịnh Bengal.
Tranh chấp phân định bắt đầu từ đầu những năm 1970 khi một hòn đảo mà Ấn Độ gọi là New Moore còn Bangladesh gọi là Nam Talpatti ở Bangladesh nổi lên ở cửa sông Hariabhanga chia cách Ấn Độ và Bangladesh trên vịnh Bengal.
Cả Ấn Độ và Bangladesh đều tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này, dẫn đến những căng thẳng kéo dài về biên giới biển giữa hai nước và quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Sau 8 vòng đàm phán song phương từ năm 1974 đến 2009 thất bại, ngày 8/10/2009, Bangladesh nộp hồ sơ kiện Ấn Độ dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tuyên bố chủ quyền của hai nước dựa trên cách lý giải khác nhau về luật biển quốc tế. Tuyên bố của Ấn Độ đối với hòn đảo này (đã biến mất năm 2011 do mực nước biển tăng) dựa trên nguyên tắc của UNCLOS về khoảng cách đều nhau, thường được áp dụng bắt buộc khi hai nước không có thỏa thuận, không có căn cứ lịch sử hoặc hoàn cảnh đặc biệt nào.
Tuyên bố của Bangladesh dựa trên nguyên tắc bình đẳng, nghĩa là nếu tòa ra phán quyết thuận lợi cho Ấn Độ, Bangladesh sẽ chỉ có EEZ nhỏ hơn vì bị kẹt giữa vùng biển giao nhau của Ấn Độ và Myanmar.
Tòa trọng tài ghi nhận trong phán quyết của họ rằng, Ấn Độ có khả năng được hưởng cả hai khu vực, nhưng phán quyết cuối cùng nghiêng về Bangladesh, phá vỡ tiền lệ khi tuyên bố rằng khoảng cách đều nhau sẽ không dẫn đến một giải pháp công bằng trong hoàn cảnh địa lý cụ thể ở khu vực.
Sự lý giải nguyên tắc bình đẳng theo hướng có lợi cho Bangladesh có thể khiến quan hệ Ấn Độ - Bangladesh xấu đi nhanh chóng, đặc biệt khi hai nước có lịch sử tranh chấp kéo dài. Nhưng dù 40 năm mâu thuẫn, Ấn Độ vẫn chấp nhận phán quyết của tòa án vì cho rằng, phán quyết này có lợi cho cả hai quốc gia và mở ra một giai đoạn mới cho sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.
Bangladesh khen ngợi thái độ của Ấn Độ trong cách giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình và luật quốc tế cũng như việc Delhi chấp nhận phán quyết của tòa. Kết quả là hai nước đã giải quyết được tranh chấp kéo dài của họ.
Nhà nghiên cứu Mercedes Page ở Viện Chính sách Chiến lược Úc vừa dẫn ra ví dụ trên để nói rằng, khi Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh muốn giải quyết những tranh chấp hiện nay một cách hòa bình thì cách Ấn Độ phản hồi tích cực với vụ kiện nói trên của Bangladesh mang lại nhiều bài học quý để giải quyết tranh chấp ở biển Đông.
Trước hết, Ấn Độ là nước lớn hơn nhiều so với Bangladesh, giống như Trung Quốc so với Philippines. Vào thời điểm tòa xử vụ kiện, Ấn Độ được ca ngợi vì không bắt nạt một nước láng giềng Bangladesh nhỏ hơn. Delhi tuyên bố dù Ấn Độ là nước mạnh hơn, họ vẫn phải tuân thủ luật quốc tế và cần tuân thủ những nguyên tắc được quốc tế thừa nhận.
Nếu muốn có thêm bạn và nâng tầm ảnh hưởng của họ ở khu vực, Bắc Kinh có thể nhìn lại cách Ấn Độ phản hồi vụ kiện. Trung Quốc cũng nên học tập Ấn Độ chấp nhận bất kỳ phán quyết nào mà tòa trọng tài đưa ra. Dù Trung Quốc mạnh hơn về kinh tế và quân sự, nếu thua trong vụ kiện và phớt lờ phán quyết, danh tiếng và vị thế của nước này như một cường quốc khu vực và thế giới sẽ bị đảo ngược.
Nếu mục tiêu chiến lược dài hạn của Trung Quốc là xây dựng quan hệ gần gũi hơn với các nước láng giềng và duy trì hòa bình ở khu vực, Trung Quốc nên học Ấn Độ trong vụ tranh chấp trên vịnh Bengal bằng cách tham gia vào quá trình tố tụng của Philippines và thực thi quyết định của tòa.
Theo nhà nghiên cứu Mercedes Page, Trung Quốc cần đánh giá liệu những lợi ích trước mắt ở biển Đông có phục vụ các mục tiêu chiến lược lâu dài của họ.