Được Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua từ năm ngoái, nguyên tắc cơ bản này vẫn được duy trì ngay cả sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni hôm 26/12/2013, đẩy căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh lên cao hơn, theo một số nguồn tin giấu tên.
Cuộc họp hiếm hoi kéo dài 2 ngày hồi tháng 10/2013 tại Bắc Kinh với sự tham gia của bảy thành viên Ban Thường vụ, do Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình đứng đầu, và các đại sứ Trung Quốc tại 30 quốc gia láng giềng đã đi đến đồng thuận rằng, Trung Quốc “không có ý định giao tranh với Nhật Bản và Nhật Bản cũng không đủ can đảm để giao tranh với Trung Quốc”. Nhiều thành viên cao cấp của Đảng, quan chức quân đội và lãnh đạo của nhiều công ty nhà nước cũng tham dự cuộc họp. Sau cuộc họp, Ban Thường vụ đồng ý sẽ “ngăn chặn Mỹ can thiệp” vào tranh chấp lãnh thổ, nguồn tin cho biết.
Đối với mục tiêu tạo ra một xã hội khá giả trên mọi khía cạnh đến năm 2020, ông Tập Cận Bình nói trong cuộc họp rằng, một môi trường xung quanh hòa bình và ổn định là yếu tố rất quan trọng. Sáng kiến tổ chức và mục đích chính của cuộc họp là để thảo luận các mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở châu Á trong 5 - 10 năm tới, nhằm loại bỏ những mối đe dọa cản trở nước này đạt được “giấc mơ Trung Hoa” từ khi chúng mới xuất hiện.
Nguyên tắc cơ bản của đường lối này được cho là nhận được sự đồng thuận rộng rãi của quan chức cao cấp trong Đảng và chính phủ Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh vẫn giữ bí mật điều này nhằm tránh làm giảm hiệu quả sức ép lên Nhật Bản, Kyodo cho biết. Đối với Nhật Bản, Trung Quốc không muốn để xảy ra một xung đột quân sự bất ngờ nào trên biển và trên không, cho dù Bắc Kinh không có kế hoạch nhượng bộ trong tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở Hoa Đông.
Trung Quốc hồi tháng 11/2013 tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông bao trùm cả quần đảo không người ở do Nhật Bản kiểm soát. Theo đó, những máy bay bay qua vùng nhận dạng này phải tuân thủ những quy định của Bắc Kinh nếu không muốn đối mặt “các biện pháp phòng vệ khẩn cấp”. Nhưng theo nguyên tắc tránh nguy cơ an ninh không cần thiết với Nhật Bản, Trung Quốc vẫn chưa vận hành đầy đủ khu vực này và tự kiềm chế không có hành động quân sự khiêu khích quanh Điếu Ngư/Senkaku.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt việc đưa tàu tuần tra vào khu vực biển tranh chấp quanh quần đảo từ khi chính phủ Nhật Bản mua lại một số đảo trong quần đảo này từ tháng 9/2012 từ một chủ sở hữu tư nhân. Vì không muốn gây ra nguy cơ đụng độ dẫn đến xung đột vũ trang, Trung Quốc rất có khả năng sẽ duy trì các hoạt động mang tính công kích, một phần vì họ không muốn vấp phải phản ứng dữ đội trong nước và cũng muốn cho cả thế giới thấy rằng họ đang có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, theo Kyodo.
Quan điểm lâu nay của Nhật Bản là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần lãnh thổ không thể tách rời của họ, và không có tranh chấp lãnh thổ nào cần giải quyết. Trong khi đó, Mỹ không bày tỏ quan điểm nào về chủ quyền cuối cùng đối với quần đảo, nhưng lại công nhận chúng đang được Nhật Bản quản lý.
Mỹ nói rằng, Điều 5 trong Hiệp ước an ninh giữa Washington với Tokyo áp dụng cả đối với Senkaku/Điếu Ngư. Vì thế, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường nỗ lực làm yếu quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật bằng cách đưa ra cảnh báo rằng, quan điểm lịch sử của ông Abe (như việc đến thăm ngôi đền chiến tranh gần đây) cho thấy sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, Kyodo nhận định.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 19/1 kêu gọi đối thoại thượng đỉnh thẳng thắn với lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc để giải quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền và lịch sử. Chuyến thăm của ông Abe đến đền Yasukuni làm Trung Quốc và Hàn Quốc nổi giận, khiến 3 nước láng giềng vẫn chưa thể gặp gỡ cấp cao. Trong cuộc phỏng vấn với NHK, ông Abe tái khẳng định việc ông tới thăm đền Yasukuni là để cam kết phản đối chiến tranh và cầu nguyện cho những người bỏ mạng vì đất nước.