Con đường chạy dọc cảng Shenjiamen, thành phố Zhoushan, tỉnh Chiết Giang ken đặc các nhà hàng hải sản và du thuyền sang trọng luôn tấp nập khách khứa, tiệc tùng linh đình. Nhưng đó là thời hoàng kim cách đây hai năm. Khi ấy, cư dân ở đây cho biết hầu như không thể kiếm nổi một bàn ăn vào buổi tối. Chiến dịch chống tham nhũng ra đời đã đặt dấu chấm hết cho nạn tiệc tùng bằng công quỹ.
Lệnh cấm quan chức nhận quà biếu và tiệc tùng xa hoa ngay lập tức tác động đến Zhoushan. Nhà hàng cao cấp Xuân Tây Hồ luôn làm ăn phát đạt kể từ khi khai trương đã buộc phải đóng cửa do ngày càng ít khách dám chi cho các món đắt tiền và quan chức địa phương ngừng lui tới. Khách sạn Sheraton sang nhất Zhoushan nằm ngay cạnh trụ sở chính quyền thành phố nay cũng trở nên ế ẩm.
Wu Hui, giáo sư tại Trường Đảng Trung Quốc, nhận xét, chi tiêu công quỹ lãng phí đã thúc đẩy tiêu thụ giai đoạn trước khi chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu; sự thịnh vượng ấy là “ảo” và cần phải bị ngăn chặn. Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, bất chấp ảnh hưởng của chiến dịch chống tham nhũng, lãng phí đối với ngành dịch vụ ăn uống và một số ngành công nghiệp liên quan khác, về lâu dài, chiến dịch sẽ mang lại lợi ích kinh tế.
Theo Hiệp hội Ẩm thực Trung Quốc, tỷ lệ tăng trưởng ngành ăn uống giảm từ 16% năm 2011 xuống 13% năm 2012 và 9% năm 2013. Hiệp hội cho biết, 2013 là năm đầu tiên trong vòng 23 năm qua, mức tăng trưởng của ngành này rơi xuống một con số.
He Jianwu, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, nói chiến dịch mạnh tay sẽ giúp đẩy thị trường tiêu thụ trở lại mạch bình thường. Nếu thực trạng đó kéo dài quá lâu, việc lạm dụng chi tiêu công quỹ sẽ gây méo mó thị trường, đẩy giá nhiều hàng hóa lên cao. Giá rượu Mao Đài thường được phục vụ trong các bữa tiệc của chính phủ đã rớt 30% so với lúc đỉnh điểm, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Chỉnh đốn quan hệ quan chức-doanh nghiệp
Ông He cho rằng, về lâu dài, chiến dịch chống tham nhũng còn giúp tăng tiêu thụ của các hộ gia đình và ngăn chặn tình trạng lãng phí tài nguyên. Việc giảm cầu cũng sẽ làm giảm gánh nặng về tài nguyên, giảm bớt hủy hoại môi trường và củng cố an ninh lương thực quốc gia. Theo các chuyên gia, kết quả tiết kiệm được từ chiến dịch chống tham nhũng, lãng phí nay có thể được sử dụng để thúc đẩy chi tiêu công, nâng cao chất lượng giáo dục.
Chiến dịch chống tham nhũng cũng sẽ cải thiện hiệu năng của chính phủ và tạo lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp. Nếu các công chức giảm bớt thời gian tiệc tùng, họ sẽ có nhiều thời gian hơn để xử lý tốt công việc. Việc chính phủ ra lệnh cấm cán bộ nhận quà biếu và tiền lại quả sẽ khiến giới doanh nhân giờ đây giảm bớt nạn quà cáp, tập trung vào công việc đầu tư, kinh doanh, bớt thời gian tìm kiếm, móc nối quan hệ, dành nhiều thời gian cho sản xuất.
Giáo sư Wu nói chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” có thể đem lại một sự thay đổi sâu sắc, giúp chỉnh đốn lại mối quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp. “Khi doanh nghiệp mời quan chức ăn nhậu hay biếu quà, họ mong muốn được nhận lại thứ gì đó. “Sự đền ơn” khó mà nắm bắt được nhưng gây tổn hại lớn đến sự thịnh vượng của quốc gia”, ông Wu nhận định.
Tuy nhiên, khi các quan chức chịu nhiều hạn chế, cấm đoán hơn lại nổi lên vấn đề làm sao khuyến khích, động viên họ trong công việc. Một quan chức giấu tên ở Zhoushan thừa nhận, ông và đồng liêu hiện nay không dám nhận quà cáp hay dự những bữa tiệc mời của giới doanh nghiệp, nhưng không ai rõ họ có tận tâm công tác hay không.
“Trước đây, quan chức giải quyết công việc nhanh chóng nếu họ nhận quà của doanh nghiệp, nhưng nay họ không dám làm thế. Thay vào đó, họ tuân thủ quy định một cách ngặt nghèo, máy móc, có nghĩa, giới doanh nhân sẽ mất nhiều thời gian hơn để được việc”, vị này nói.