Những câu hỏi khác gồm có: Ông/bà có thèm muốn tiền, trang sức, tác phẩm nghệ thuật không? Ông/bà có bị bỏ đói tình cảm ở nhà và đang muốn có quan hệ ngoài hôn nhân không? Ông/bà có đồng ý rằng không thể thực thi một luật nào đó nếu mọi người đều không tuân thủ?...
Nếu câu trả lời là “có”, người trả lời có thể có nguy cơ trở thành quan chức tham nhũng, theo bài thi đạo đức vừa được đưa ra nhằm làm trong sạch đội ngũ công chức ở Trung Quốc.
Bài thi gồm 34 câu hỏi do học giả Di Xiaohua ở Đại học Nam Kinh cùng các quan chức chống tham nhũng của thành phố Nam Kinh thiết kế. Là giám đốc Viện Nghiên cứu Phòng chống Tội phạm của Đại học Nam Kinh, ông Di từng đến thăm 5 nhà tù và phỏng vấn 47 tù nhân để tìm hiểu các quan chức tham nhũng bằng những cách nào.
“Bài kiểm tra tốt hơn những cảnh báo chống tham nhũng thường được đưa ra vì nó cho các quan chức cấp cao thường đối mặt cám dỗ một cơ hội để suy nghĩ lại”, ông Di nói với báo Trung Quốc China Daily.
Kể từ tháng 1, khoảng 2.000 công chức của Nam Kinh đã làm bài kiểm tra này, nhưng điểm của họ vẫn được giữ bí mật. Thông tin về bài kiểm tra được đưa ra sau khi Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình đẩy mạnh thực hiện chiến dịch quy mô lớn nhằm kiên quyết xử lý những quan chức có hành vi sai trái.
Ông Tập tuyên chiến với quan tham ở mọi cấp: từ “ruồi” (quan chức cấp thấp) đến “hổ” (quan chức cấp cao) và báo chí Trung Quốc gần như ngày nào cũng tố cáo những đảng viên
vi phạm.
Xoáy vào những vấn đề riêng tư nhất
Hôm 11/2, báo chí nhà nước Trung Quốc cho biết ông Chen Jianghe, quan chức cấp cao ở tỉnh Hà Nam, bị kết án chung thân vì nhận hối lộ hàng trăm nghìn đô la Mỹ, “sở hữu lượng tài sản khổng lồ không rõ nguồn gốc và lạm dụng quyền lực”. Theo báo chí Trung Quốc, nếu ông Chen từng làm bài thi nói trên ở Nam Kinh thì kết quả có thể khác.
Một phần trong bài thi yêu cầu quan chức trả lời đồng ý hoặc không đồng ý với những câu sau:
1. Chỉ nên nhận tiền hoặc quà trị giá dưới 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17 triệu đồng).
2. Mỗi lần được tặng quà, tôi cảm thấy cực kỳ đau khổ.
3. Tôi hiếm khi nghĩ kỹ về giá trị của món quà hay khoản tiền được tặng.
Một phần khác của bài thi xoáy vào những vấn đề riêng tư nhất của đời sống quan chức, rằng liệu gia đình họ có phàn nàn về những tiêu chuẩn sống, liệu họ có nhận được đầy đủ tình cảm yêu thương ở nhà, hay thậm chí họ có thường xuyên nhận được đề nghị tình cảm khiếm nhã từ những người có thể được lợi từ các quan hệ này hay không.
Những câu hỏi liên quan lòng trung thành của quan chức đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng được đưa vào bài thi, như: “Liệu ông/bà có tin rằng Đảng có khả năng giải quyết hiệu quả tham nhũng?”, “Ông/bà có đồng ý rằng, quyền lực của các nhà lãnh đạo của chúng ta thể hiện ở việc họ có tiếng nói cuối cùng?”…
Ông Mei Kun, một công tố viên ở địa phương, nói rằng, bài thi có vai trò quan trọng cho việc giúp đỡ quan chức bằng cách khiến họ “nhận thức rõ hơn về những cạm bẫy họ có thể đối mặt” và có tác dụng cảnh báo. “Bài kiểm tra có thể là một kiểu tự giáo dục. Giáo dục là điều cực kỳ quan trọng vì con người đều yếu đuối”, ông Mei nói.
Kế hoạch 5 năm (2013-2017) chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ: “Nếu vấn đề lề lối làm việc và nạn tham nhũng không được giải quyết thỏa đáng thì chúng sẽ gây hại cho Đảng, thậm chí đưa Đảng và đất nước đến chỗ diệt vong”. Theo kế hoạch này, mọi vụ việc tham nhũng phải được điều tra, xử lý nghiêm minh để nâng cao tính răn đe.