Trung Quốc lại vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
TPO - Trung Quốc tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 7 trên vùng biển từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) đến đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 22-26/4 là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay (23/5) để trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam đối với hoạt động nêu trên của Trung Quốc.

Bà Hằng khẳng định lại quan điểm Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 7 tại khu vực đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, trái với Thoả thuận về các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho việc duy trì hoà bình và hợp tác ở biển Đông. 

“Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, không tái diễn hoạt động nói trên, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực”, bà Hằng nói.

Trả lời câu hỏi về báo cáo đưa ra ngày 20/5 của Tổ chức nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington nói rằng các tàu đánh bắt nghêu từng mang tiếng tàn phá môi trường của Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bà Hằng nói rằng quan điểm của Việt Nam về các vấn đề chủ quyền ở biển Đông là rõ ràng, nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần. Việc khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông cần tuân thủ quy định của luật quốc tế, như được nêu cụ thể trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, theo đó, cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Các quốc gia cũng cần tuân thủ nghiã vụ của mình theo các điều khoản quốc tế về môi trường, bà Hằng nói.

Về câu hỏi Việt Nam có nêu vấn đề biển Đông khi cử đoàn tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 này, bà Hằng cho biết Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn an ninh quốc phòng quan trọng của khu vực. Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Đối thoại năm nay. 

“Việc Việt Nam tham dự đối thoại thể hiện vai trò tích cực, chủ động, trách nhiệm cao với các vấn đề quốc tế và khu vực, mong muốn không ngừng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung, qua đó xây dựng lòng tin để thúc đẩy hợp tác vì hoà bình và phát triển”, bà Hằng nói. Bà cho biết đây là mục tiêu chính và quan trọng của đoàn Việt Nam khi tham dự Đối thoại năm nay. 

MỚI - NÓNG