Trung Quốc lại vi phạm chủ quyền Việt Nam

Trung Quốc lại vi phạm chủ quyền Việt Nam
TP - Sau khi thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, Khu cảnh bị “thành phố Tam Sa” bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và Bãi Macclesfield (Philippines tuyên bố chủ quyền), phía Trung Quốc lại có bước đi tiếp theo nhằm mục đích thể hiện chủ quyền đối với những quần đảo mà họ đã chiếm đóng trái phép và đang âm mưu thôn tính.

> Trung Quốc lập Cục cấp điện trái phép tại Hoàng Sa

Đó là việc cho Cục Khí tượng tỉnh Hải Nam tổ chức họp báo hôm 28-8, thông báo ban hành cái gọi là “Điều lệ phòng chống thiên tai khí tượng tỉnh Hải Nam”, trong đó chính thức nêu rõ yêu cầu về việc xây dựng các trạm quan trắc khí tượng tại các đảo và vùng biển mà cái gọi là “thành phố Tam Sa” quản hạt.

Họ nêu “đây là pháp quy địa phương đầu tiên đề cập đến việc quản lý của thành phố Tam Sa và có hiệu lực từ ngày 1-9-2012”.

Theo hãng tin Hoa ngữ DWNews, Trung Quốc đã lợi dụng tập quán quốc tế (việc một quốc gia quan trắc và dự báo khí tượng đối với khu vực nào đó được coi là một phương thức thể hiện chủ quyền đối với khu vực đó) để đòi chủ quyền đối với bãi Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) thuộc Bãi Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa).

Hiện nay, họ thường xuyên dự báo thời tiết biển 24 giờ đối với khu vực Scarborough và khu vực biển phụ cận.

Vụ trưởng Dự báo phòng chống thiên tai thuộc Cục Hải dương Trung Quốc Vương Phong cho rằng việc họ mỗi ngày đưa ra một bản dự báo về môi trường biển dài 30 phút vừa phục vụ ngư dân, “vừa thể hiện sự quản lý thực tế của Trung Quốc đối với vùng biển đảo Hoàng Nham”.

Theo thông tin chính thức từ Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, “Trung ương đã đốc thúc thành phố Tam Sa phát triển trọng điểm về du lịch, khai thác dầu khí, sản xuất nghề cá để thể hiện mạnh mẽ sự khống chế thực tế của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp”.

Cục này cho rằng “thành phố Tam Sa có thể sẽ đưa ra các kế hoạch phát triển quy mô lớn”.

Tiêu Kiệt, thị trưởng cái gọi là “thành phố Tam Sa”, cũng lên tiếng hô hào “thành phố Tam Sa coi việc bảo vệ chủ quyền và quyền lợi quốc gia có vị trí quan trọng, sẽ dốc sức bảo vệ chủ quyền và quyền lợi quốc gia, dốc sức vào việc bảo vệ môi trường Nam Hải (Biển Đông)”.

Đây là một hành động phi pháp, trắng trợn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, không thể chấp nhận được của phía Trung Quốc. Vì thế, nó không thể có hiệu lực, nhất định sẽ bị dư luận quốc tế phản đối.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG