Theo thông báo được đăng tải hôm nay, 23/9 trên website chính thức, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ lập tức ngừng xuất khẩu khí gas ngưng tụ và hóa lỏng sang Triều Tiên, đồng thời hạn chế xuất khẩu dầu tinh luyện sang Triều Tiên từ ngày 1/10.
Hàng dệt may - một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên với khoảng 800.000 USD/năm, cũng đã bị Trung Quốc cấm nhập khẩu ngay lập tức.
Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh lệnh cấm trên sẽ không áp dụng đối với mặt hàng dầu thô, vốn đang chiếm thị phần lớn nhất tại Triều Tiên.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết Trung Quốc hiện là nước cung cấp phần lớn lượng dầu thô nhập khẩu của Triều Tiên với khoảng 4 triệu thùng mỗi năm. Cơ quan này trích dẫn số liệu hải quan của Liên Hợp Quốc cho thấy Trung Quốc đã gửi 6.000 thùng dầu mỗi ngày cho Triều Tiên, phần lớn là xăng và nhiên liệu diesel, được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, vận tải và quân sự của Triều Tiên.
Động thái mới nhất của Bắc Kinh thể hiện Trung Quốc đang tuân thủ nghị quyết trừng phạt số 2375 mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ban hành hôm 11/9 nhằm răn đe Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân hôm 3/9.
Theo các chuyên gia, nghị quyết 2375 dự kiến sẽ làm giảm 30% lượng tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến dầu ở Triều Tiên, ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình sản xuất tên lửa và vũ khí hạt nhân ở nước này.
Trước khi bị Liên Hợp Quốc áp lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến dầu mỏ, Triều Tiên đã bị cấm xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản, theo Nghị quyết trừng phạt số 2371.
Các biện pháp trừng phạt này được ban hành nhằm mục đích bóp nghẹt nền kinh tế của Triều Tiên, buộc chính quyền Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm 18/9 tuyên bố biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc là “hành động tàn bạo, phi đạo đức”, và rằng sẽ thật “ngốc nghếch” nếu nghĩ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt có thể khiến Triều Tiên ngừng phát triển vũ khí hạt nhân.