Trung Quốc coi phán quyết của tòa quốc tế “chỉ là mảnh giấy”

TP - Đối mặt phán quyết có thể khiến họ mất uy tín, Trung Quốc tiếp tục gia tăng chiến dịch tấn công dư luận nhằm bảo vệ quan điểm của họ trước làn sóng chỉ trích khắp thế giới. Chiến dịch đó vừa mở rộng sang cả Mỹ khi một cựu quan chức cấp cao của Trung Quốc tận dụng diễn đàn tại Washington để cảnh báo Mỹ và bác bỏ thẩm quyền của tòa trọng tài quốc tế.

Phát biểu hôm 5/7 tại diễn đàn tổ chức ở Viện Nghiên cứu Carnegie vì Hòa bình quốc tế diễn ra tại Washington, ông Đới Bỉnh Quốc, cựu Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, tuyên bố: “Phần thưởng cuối cùng của tòa trọng tài, sẽ được đưa ra trong vài ngày tới, không gì hơn ngoài một mảnh giấy”.

Ông Đới, nay là Chủ tịch ĐH Tế Nam, đổ lỗi cho Mỹ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực với các cuộc tuần tra trên biển, trên không và khuyến khích các nước Đông Nam Á đối đầu Bắc Kinh. “Rủi ro đối với Mỹ là họ có thể bị kéo vào rắc rối không mong muốn và phải trả một cái giá đắt không ngờ”, ông này cảnh báo.

“Nhưng Trung Quốc sẵn sàng duy trì đối thoại với Mỹ về các vấn đề trên biển và làm việc với Mỹ cũng như tất cả các bên khác để giữ tình hình trong mức kiểm soát”, Reuters dẫn lời ông Đới. Cũng tại diễn đàn, ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu biển Đông (Trung Quốc), lặp lại quan điểm của lãnh đạo nước này rằng, tòa trọng tài không có thẩm quyền xử lý tranh chấp lãnh thổ và Trung Quốc có quyền chọn cách giải quyết khác. “Quy trình tố tụng mà Philippines khởi đầu là một âm mưu chính trị được lên kế hoạch kỹ lưỡng được che đậy bởi luật pháp”, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua dẫn lời ông Wu.

Bài phát biểu của ông Đới được coi là một phần trong chiến dịch tăng cường ngoại giao bao biện trước khi Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đưa ra quyết định về vụ kiện do Philippines đệ trình. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng đăng tải bài phát biểu đầy đủ của ông Đới ngay sau khi ông này phát biểu.

Vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao với quyết định của tòa trọng tài, nhưng bài phát biểu của ông Đới tại Washington càng củng cố thêm dự đoán rằng, Bắc Kinh có thể sẽ quyết định bắt đầu nạo vét quanh bãi cạn Scarborough. Nếu Trung Quốc làm như vậy sẽ đẩy căng thẳng gia tăng và có nguy cơ châm ngòi đối đầu Philippines, và Philippines có thể sẽ quay sang Mỹ để xin hỗ trợ quân sự, các chuyên gia nhận định.

“Mỹ phản ứng chưa đủ”

Tạp chí Mỹ National Interest vừa đăng bài viết của ông Wallace Gregson, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, về vấn đề an ninh Thái Bình Dương và châu Á, cho rằng cách phản ứng của Mỹ trong vấn đề biển Đông vẫn thụ động, và Washington cần gia tăng hành động để đối phó Trung Quốc, khi nước này chỉ khăng khăng quan điểm của mình trong vấn đề tranh chấp trên biển.

Theo ông Gregson, những chiến dịch tự do hàng hải và hàng không của Mỹ ở khu vực biển Đông là phản ứng cần thiết trước tình hình này, nhưng chưa đủ. Thách thức lớn hơn là phải bảo đảm tất cả các nước liên quan trên biển Đông được tiếp cận các tài nguyên biển, cả hải sản lẫn khoáng sản. Điều này đòi hỏi các phương tiện thực thi pháp luật trên biển cũng như hệ thống quản lý tài nguyên bền vững và có trách nhiệm. 

Ông Gregson cho rằng, chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ vẫn chưa đầy đủ. Các sáng kiến an ninh và quốc phòng đang tiến triển với tốc độ như mong muốn, nhưng yếu tố trung tâm trong cam kết của Mỹ với khu vực là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì vẫn đang bị ngưng trệ. Chiến dịch tranh cử tổng thống đang diễn ra tại Mỹ đã lấn át tiến triển của hiệp định này. Hai ứng viên hàng đầu trong cuộc chạy đua lại có tư tưởng chống hội nhập thương mại.

Ngoài năng lực quân sự, và có lẽ cấp bách hơn, là phải tạo ra năng lực giám sát và thực thi pháp luật trên biển đủ mạnh. Mỹ và các đồng minh cần có khả năng đối phó những hoạt động trái phép trong vùng biển của chính họ. Đi kèm với đó có thể là một nỗ lực ngoại giao mạnh bạo để tạo nên một hệ thống quản lý tài nguyên biển.

Sự cố ý phá hoại di sản môi trường chung của toàn cầu không nên được tiếp tục mà không phải trả một cái giá chính trị nghiêm khắc. Việc tạo ra một hệ thống nhằm thiết lập và thực thi quy tắc khai thác hải sản và khoáng sản có thể sẽ đóng vai trò tích cực đối với các ngành công nghiệp đó và cho các nước trong khu vực, ông Gregson viết.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.