Trùng Khánh, tháng 9

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lỡ hai mùa Covid không lên được Trùng Khánh (Cao Bằng) vào tháng 9, năm nay chúng tôi đi “gỡ”. Không uổng công lặn lội, ngoài hạt dẻ, Trùng Khánh còn “chiêu đãi” khách xa bằng cả một mùa vàng lộng lẫy.

Hạt dẻ đếm hạt

Huyện Trùng Khánh nằm ở phía Đông, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 60 km. Vốn chúng tôi còn muốn ôm đồm đi vòng vèo mấy huyện Cao Bằng để “thu hoạch” cảnh quan nhưng một đàn anh được dân xê dịch gọi là “phượt ca” (ca trong từ đại ca) tư vấn: chỉ cần lưu trú Trùng Khánh là đủ rồi, nhất vào tháng 9, ở đây có mọi thứ mà các người cần!

Trùng Khánh, tháng 9 ảnh 1

Quang cảnh của thung lũng Phong Nậm

“Mọi thứ” như đàn anh nói gồm thác Bản Giốc, sông Quây Sơn, động Ngườm Ngao (những địa danh được cho là không thể không đến khi tham quan Cao Bằng) đều ở Trùng Khánh. Nhưng đối với một tín đồ ẩm thực như tôi, hạt dẻ Trùng Khánh mới là đích chính của chuyến đi này.

Huyện Trùng Khánh giờ có nhiều xã trồng cây dẻ như: Ngọc Khê, Khâm Thành, Chí Viễn, Đình Minh, Phong Châu... Vài năm trở lại đây, thu nhập đáng kể từ việc bán hạt dẻ khiến cho bà con có động lực mở rộng diện tích gieo trồng. Khi chúng tôi đến, mùa dẻ vừa bắt đầu.

Ở Trùng Khánh chủ yếu là người Tày, Nùng, trước họ coi cây dẻ như một thứ quà của rừng, hạt rụng thì qua nhặt, bây giờ khách đến mua nhiều hơn, mỗi nhà trồng dẻ đều có thêm cái sào để giật quả chín. Quả dẻ bên ngoài khá giống quả chôm chôm, khi chín thì tách ra, rụng xuống, bóc vỏ ra, bên trong có từ 2-4 hạt. Trước khi vào vườn, khách được nhắc phải cẩn thận với vỏ hạt dẻ vì nó có gai, khá cứng, có thể gây thương tích nếu không có kinh nghiệm thu hái.

Trùng Khánh, tháng 9 ảnh 2

Hạt dẻ Trùng Khánh bán ở chợ phiên

Người Trùng Khánh đã biết làm du lịch nên thường sẽ chừa ra một số gốc dẻ để khách tự vào nhặt. Thành quả thu được không bán theo cân mà dùng cách đếm. 100 hạt dẻ có giá 90.000 đồng, loại nhỏ thì rẻ hơn. Được biết, đây là cách bán hàng phổ biến ở Cao Bằng, bà con rất ít dùng cân khi đi chợ.

Một may mắn, chúng tôi đến Trùng Khánh đúng vào ngày chợ phiên (chợ phiên ở đây họp vào các ngày mùng 5, 10, 15, 20, 25 âm lịch). Vì mới đầu mùa, chỉ có vài hàng bán hạt dẻ theo kiểu đếm hạt, hàng hết rất sớm và việc muốn mua cả một tải hạt dẻ về Hà Nội của chúng tôi hôm ấy là bất khả.

Ngoài bánh cuốn ăn với nước súp nóng đã rất nổi tiếng trên các diễn đàn du lịch ẩm thực, người Cao Bằng còn có phở vịt lạp xường ba chỉ, ăn một bát no cả ngày. Chưa kể thạch đen Cao Bằng hiện đã len lỏi khắp các siêu thị Thủ đô thì chợ Trùng Khánh có thạch trắng (dân ở đây gọi là “mác púp”) làm từ hạt một loại quả dây leo chỉ mọc bám vào các cây gỗ nghiến cổ thụ ăn vừa mát vừa “bổ”.

Sở dĩ tôi phải nhấn mạnh tính “bổ” của mác púp vì thời điểm sà vào quán chè, mấy người đàn ông cùng đoàn được các khách ở đây nhìn bằng con mắt rất ý nhị. Sau hỏi ra mới biết, quả mác púp (thường chín rộ vào tháng 7 âm) ngoài vị ngọt, tính mát, còn có tác dụng tráng dương, bổ thận, thông kinh lợi sữa, tiêu thũng, giải độc...

Cảnh đẹp như tranh

Sông Quây Sơn gắn liền với thác Bản Giốc xuyên qua những dãy núi đá vôi và cánh đồng lúa, làng mạc tạo nên phong cảnh bốn mùa như mơ của Trùng Khánh.

Từ trung tâm Trùng Khánh đi thêm khoảng hơn 10km là đến thung lũng Phong Nậm, nơi được dân xê dịch gọi là tiên cảnh có thật ở Cao Bằng. Trên đường đi, những thửa ruộng bậc thang đang bắt đầu mùa thu hoạch khiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian để ghi lại những khoảnh khắc rực rỡ này. Điều kỳ diệu trong bức tranh mùa vàng ở đây là trên cùng một mảnh ruộng, nhưng có thửa đã gặt, thửa đang xanh và thửa như mới chỉ được gieo trồng cấy mạ.

Trùng Khánh, tháng 9 ảnh 3

Chèo thuyền trên sông Quây Sơn Ảnh: Quang Trần

Sự “lộn xộn” trong thói quen trồng cấy của người Tày, người Nùng đem đến nhiều bất ngờ trong bức tranh “mùa vàng” biên giới. Sắc xanh, vàng đan xen ngẫu nhiên khiến người ta có cảm giác như đang chứng kiến trọn vẹn một vụ lúa với đủ công đoạn từ làm đất, gieo trồng, lúa thì con gái cho đến lúc chín vàng. Cả không gian bát ngát ấy đều như thơm mùi gạo mới khiến nhiều nhiếp ảnh gia năm nào không đi được Tây Bắc vào mùa gặt thì năm ấy coi như đã khuyết thiếu một cảm giác về sự đủ đầy.

Động Ngườm Ngao được người dân địa phương phát hiện năm 1921, không quá gây sốc nếu trước đó khách đã từng đến những hang động ở Vịnh Hạ Long hay Quảng Bình. Một trong các thạch nhũ tạo hình đẹp nhất ở đây là tòa sen úp ngược xuống từ trần hang, nhờ vào cấu tạo đá vôi bị phong hóa, tòa sen lấp lánh như được bao quanh bởi các vì sao, đẹp đến mộng ảo.

Có kiến trúc sư trong đoàn nên chúng tôi rủ nhau rẽ qua làng Tày cổ xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) để xem nhà sàn. Không giống như những ngôi nhà sàn được dựng bằng tre, gỗ như một số nơi, nhà sàn của người Tày ở Khuổi Ky được xếp bằng đá. Những viên đá có nhiều kích cỡ, nhiều góc cạnh được xếp lèn vào nhau, kết dính bằng hỗn hợp đá vôi trộn cát. Có bức tường xây dày đến 37 cm.

Ông Nông Đình Chứt ở xóm Bản Dít cho biết: Hồi ấy, khi ông cất ngôi nhà đang ở bây giờ còn chưa có mìn nổ đá, cũng không có xe ô tô để chở. Ông và gia đình phải tự đi đập từng tảng đá, sau đó nhờ anh em hàng xóm giúp xếp tường, đẽo cột gỗ… Gần hai năm sau, việc xây dựng ngôi nhà mới hoàn thành.

Nhiều ngôi nhà ở Khuổi Ky có tuổi đời trăm năm, ngoài sự tiện ích đông ấm hè mát, vững chãi, an toàn, hiện nay nó trở thành một “đặc sản” văn hóa thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Dân Trùng Khánh học làm du lịch

Để khách lưu trú ở Trùng Khánh có thêm lựa chọn giải trí, huyện lập ra hơn 20 đội, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, mỗi đội có 10 - 15 thành viên, vừa là nhạc công, vừa là diễn viên hát, múa, đa số họ có am hiểu về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Các đội văn nghệ này thu hút đông đảo nhân dân đủ thành phần, lứa tuổi tham gia. Tại một số xóm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn như xóm Lũng Niếc, Khuổi Ky, xã Đàm Thủy có từ 2 - 3 đội văn nghệ với 10 - 20 thành viên thường xuyên luyện tập, biểu diễn những làn điệu dân ca phổ biến của các dân tộc thiểu số như: hát Lượn slương, Lượn cọi, Lượn ngạn, hát Then - đàn tính, Hèo phươn, Nàng ới, Dá hai, Páo dung... đi cùng với nó là những điệu múa sluông, múa chầu, múa quạt, múa khăn, múa chuông, múa trống, múa ô, múa khèn... Các chương trình văn nghệ do nghệ nhân tự dàn dựng đã trở thành một trải nghiệm không thể bỏ qua trong các hoạt động du lịch.

Anh Đỗ Ngọc Thông (hướng dẫn viên du lịch) cho biết: “những năm trước Trùng Khánh chưa có nhiều chương trình văn nghệ như bây giờ. Từ khi có những chương trình do chính người dân tộc thiểu số thể hiện, đa số khách hàng tỏ ra rất hứng thú. Đó cũng là cách quảng bá văn hóa hiệu quả, khách được xem người thực việc thực sẽ thuyết phục hơn chúng tôi chỉ nói mà không có ví dụ”.

Kết hợp với khách tua của anh Thông, tối hôm ấy, chúng tôi được nghe đội văn nghệ thôn hát Sli Giang và Dá hai. Hát Sli Giang dễ nghe hơn, đây là loại hát đôi, hai bên nam, nữ đối đáp nhau. Sli tiếng Nùng còn có nghĩa là thi, là thơ. Sli Giang có cấu trúc thơ thất ngôn tứ tuyệt, chữ cuối câu một, câu hai, câu bốn cùng vần, chữ cuối câu ba vần trắc gieo vào chữ thứ tư câu cuối; nhưng niêm luật không quá chặt chẽ.

Còn Dá hai là loại hình nghệ thuật diễn xướng Tuồng trên sân khấu của người Nùng, giai điệu réo rắt, lắng sâu, diễn xướng các tích truyện cổ như: “Phạm Tải - Ngọc Hoa”, “Hoa Mộc Lan tòng quân”, “Tống Chân - Cúc Hoa”, “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”…

Rất mừng là trong đội ngũ biểu diễn hôm ấy có nhiều gương mặt trẻ. Việc biểu diễn phục vụ du khách cùng các nghệ nhân có tuổi chính là một chuỗi hoạt động truyền, nối kéo dài, khiến các làn điệu dân ca của các dân tộc không bị đứt gãy, thậm chí biến mất.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.