Nhân dịp tham dự một hội thảo ở Hà Nội ngày 31/10, TS Tosh Minohara, giáo sư về quan hệ Nhật - Mỹ, đang công tác tại Đại học Kobe (Nhật Bản), có cuộc gặp hẹp với một số phóng viên Việt Nam để trao đổi về các vấn đề khu vực.
Đánh giá về tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương nếu tỷ phú Donald Trump trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ, TS Minohara cho rằng, cho đến nay, khả năng này ít xảy ra. Nhưng nếu thắng cử, ông Trump có thể sẽ không hiểu nhiều, không quan tâm đến châu Á, và Trung Quốc sẽ vui mừng vì điều này. Còn nếu cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thắng cử, TS Minohara cho rằng, bà sẽ muốn các nước như Nhật Bản hay Việt Nam cam kết nhiều hơn.
Chính sách đối ngoại của Philippines
Nhận xét về chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, TS Minohara cho rằng, lãnh đạo Philippines thời gian qua đưa ra nhiều thông điệp mâu thuẫn nhau, nhưng một điều nhất quán trong những phát biểu đó là ông ấy phản đối Mỹ và muốn Mỹ rút đi, nhưng muốn Nhật Bản ở lại. Theo TS Minohara, Nhật Bản không thể thay thế Mỹ vì Nhật Bản không đủ năng lực để làm những điều Mỹ có thể làm. Tuy nhiên, học giả này cho rằng, vẫn cần đợi một thời gian nữa xem ông Duterte sẽ hành động thực tế như thế nào để xem vị tổng thống này thực sự đang nghĩ gì.
Ông Minohara cho rằng, một điều quan trọng mà Tổng thống Duterte phải cân nhắc trong chính sách đối ngoại của mình là việc người dân Philippines rất thân Mỹ. Điều này sẽ tác động đến những điều ông Duterte có thể làm và không thể làm. TS Minohara cho rằng, nếu Philippines thực sự sẽ khiến Mỹ phải rút khỏi nước này, Washington sẽ phải tìm cách nào đó để duy trì ảnh hưởng ở khu vực.
Về phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện liên quan tranh chấp trên biển Đông, TS Minohara cho rằng, Trung Quốc không chấp nhận pháp quyết đó vì Trung Quốc muốn thay đổi trật tự thế giới, muốn họ mới là nước tạo ra quy tắc và luật chơi. Trung Quốc coi việc người Mỹ luôn đứng đầu Ngân hàng Thế giới và người châu Âu đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế là điều không công bằng. Trung Quốc muốn thách thức trật tự đó, muốn thế giới chấp nhận rằng Trung Quốc là quốc gia trung tâm. Họ luôn mơ về điều đó, ông Minohara nhận định.
Nói về cách Tổng thống Duterte đang sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài, TS Minohara cho rằng, điều này chưa rõ ràng, nhưng có thể ông Duterte sẽ dùng nó để đạt được một số thỏa thuận với Trung Quốc.
TS Tosh Minohara trong cuộc trao đổi với nhóm phóng viên Việt Nam. Ảnh: Trúc Quỳnh
Nếu thực sự Philippines đang xích lại gần Trung Quốc, Nhật Bản sẽ thay đổi chính sách của mình như thế nào đối với vấn đề biển Đông? Theo ông Minohara, biển Đông có vai trò quan trọng với Nhật Bản, nhưng Tokyo phải bận tâm nhiều hơn đến vùng biển Hoa Đông. Nếu lãnh đạo Philippines thực sự đang thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc, TS Minohara cho rằng, chính sách của Việt Nam cũng cần có những điều chỉnh nhất định. Và Nhật Bản sẽ làm những điều có thể để ủng hộ Việt Nam, vì Nhật Bản coi Việt Nam là bạn. Quan hệ Việt - Nhật hiện rất tốt đẹp và có lợi cho cả hai bên.
Giải pháp cho ASEAN
Ông Minohara cho rằng, nhiều nước ASEAN muốn sự cân bằng quyền lực ở khu vực và không muốn thấy sự bá quyền. Theo ông Minohara, người Việt Nam rất cứng rắn, và Trung Quốc không thể sử dụng quân bài dân tộc để gây chia rẽ người Việt giống như họ làm với Singapore hay Malaysia.
TS Minohara cho rằng, 10 nước ASEAN có nhiều lợi ích và chiến lược khác nhau; Trung Quốc đã và đang gây chia rẽ khối. Theo học giả này, ASEAN hiện có những cơ chế rất hiệu quả và có thể khiến chúng hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy lợi ích chung của nhiều nước. Trong ASEAN có những nước không tiếp giáp với biển, không chia sẻ quan tâm về vấn đề lợi ích và an ninh biển. Vì thế, một số quốc gia thành viên ASEAN nên cùng bàn bạc với nhau nhằm thúc đẩy những mối quan tâm và chiến lược chung, ông Minohara đề xuất.