Sáng 24/11, Nhà hát Kịch Việt Nam rộn ràng hơn ngày thường. Nhiều nghệ sĩ lão thành ở giữa vòng vây của những nghệ sĩ, diễn viên khóa 1.
Những người chỉ dẫn cho cả thế hệ diễn viên đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam như bà Phạm Thị Tần, Phạm Kim Oanh, Trịnh Thanh Năng, NSƯT Ngọc Thoa-vợ cố NSƯT Dương Viết Bát.
Lễ kỷ niệm tri ân các thầy cô, tụ họp bạn bè được tổ chức gọn gàng trong khán phòng Nhà hát Kịch Việt Nam. Không khí dí dỏm, đậm chất nghệ sĩ. Ngồi dưới khán phòng, NSND Trung Hiếu-Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nói đùa với Xuân Bắc “sao lại 40 năm nhìn lại, phải là 40 năm nhìn đi nhìn lại chứ”. Xuan Bắc-Quốc Khánh có tiểu phẩm vui về nghề diễn.
Phóng sự tràn ngập tiếng cười, niềm vui và cả nỗi xúc động, day dứt do các nghệ sĩ thực hiện ghi lại hành trình “vào Nam ra Bắc” gặp gỡ thầy xưa bạn cũ, những người cùng tốt nghiệp Khóa diễn viên 1 của Nhà hát nhưng nay rẽ ngang bỏ nghiệp diễn, hoặc dành thời gian tưởng nhớ tới những người rời bỏ cuộc đời.
NSƯT Trọng Trinh trong vai trò dẫn dắt chương trình kỷ niệm có lúc không giấu được xúc động, chia sẻ kỷ niệm khi nhận quyết định đi học lớp đạo diễn truyền hình. “Khi ấy tôi mới cảm nhận được chia tay sân khấu là thế nào. Cầm tờ quyết định đi ngang sân khấu mà òa khóc như đứa trẻ”, Trọng Trinh nói.
Bà Phạm Thị Tần tự hào về khóa diễn viên nay có nhiều tài năng cho sân khấu. Có thể kể đến những tên tuổi bước ra, trưởng thành và trở thành trụ cột của các đoàn, Nhà hát: Trọng Trinh, Trung Anh, Quốc Khánh, Phú Đôn, Quế Hằng, Thúy Phương, Thùy Hương, Việt Thắng, Lan Hương Bông, Đỗ Kỷ.
NSND Doãn Châu, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nhắn gửi vui tới lớp diễn viên này “phải học cách chấp nhận tuổi thanh xuân đi qua, bàn giao cho thế hệ trẻ”. Sau thế hệ nghệ sĩ hàng đầu, gạo cội xây dựng nên thương hiệu Nhà hát Kịch Việt Nam, rồi những nghệ sĩ xuất sắc “người khổng lồ” của sân khấu như Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Thế Anh, Trần Tiến, thế hệ Diễn viên khóa 1 của Nhà hát Kịch Việt Nam đóng góp nhiều cho nhà hát.