NGƯỜI CHA THÔ BẠO
Đó là tên vở kịch của Liên Xô do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng năm 1983, đem lại một trong những vai diễn để đời cho NSND Đoàn Dũng. Khán giả sau này chỉ biết ông qua một số bộ phim kinh điển như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Dòng sông thơ ấu, Thủ lĩnh áo nâu, tuy nhiên với thế hệ trước và cùng thời, NSND Đoàn Dũng thực sự là cây đại thụ của sân khấu. Có thể kể tên nhiều vở diễn ấn tượng của ôngtrên sàn diễn Nhà hát Kịch Việt Nam: Một đêm giông tố, Người cha thô bạo, Vụ án người đốt đền, Người cầm súng, Khúc thứ ba bi tráng.
Người cha thô bạo được xem là vở kịch hoàn hảo với dàn diễn viên mạnh như Đoàn Dũng, Bích Châu, Thế Anh, Giang Nga, Thu Hà. “Vai người cha thô bạo của NSND Đoàn Dũng không thể thay thế”- NSƯT Thu Hà khẳng định, trong khi vai anh con trai cả khi lưu diễn các tỉnh thành do Thế Anh, Trọng Khôi thay nhau diễn. Nội dung không có tính triết lí gì ghê gớm nhưng lại không thể chê vào đâu được: Một ông bố gia trưởng luôn dạy các con phải lao động, các con luôn sợ bố và không hiểu bố. Bà mẹ luôn hát “Các con ơi, ăn mau đi bố sắp đến kia kìa”. NSƯT Thu Hà nhớ như in câu nói người cha thô bạo thường nhắc các con: Lên hai tôi đã biết mặc quần, tự làm lấy đồ chơi.
Người cha thô bạo là vở kịch thứ hai NSƯT Thu Hà đóng vai thứ chính sau vai chính trong Trăn trở. Thu Hà vào vai cô con gái út được cưng chiều nhất trong các anh chị em. Chị bảo vai diễn ấy như thể chính là con người chị nên diễn như cá trong nước, đi đứng nói cười tự nhiên. Thành công của vở này theo chị không thể không nhắc tới đạo diễn Minh Ngọc và NSND Đoàn Dũng. Sau vở này còn phải nhắc tới Vụ án người đốt đền, trong đó Đoàn Dũng đóng Erostrat-kẻ đốt đền. “Người đốt đền là vở chúng tôi xem không biết chán. Đoàn Dũng và Trọng Khôi cùng đóng một vai, mỗi người đóng theo cách riêng và đều hay cả”, NSƯT Trung Anh nói.
NGHỆ SĨ ÐỨC ÐỘ
Nhắc tới NSND Đoàn Dũng, NSƯT Thu Hà bảo ấn tượng nhất về sự lạc quan trong cách sống, cách nhìn và ứng xử với mọi người, còn trong nghề ông là người truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và học trò, đặc biệt là người bạn diễn. Chất giọng và nụ cười hào sảng của Đoàn Dũng không lẫn vào đâu được, thân hình xù xì nhưng tấm lòng nồng hậu.
NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì gọi đùa Đoàn Dũng là “ruột để ngoài áo sơ mi”.Dẫu ông có thẳng thắn, đốp chát thì hầu như không ai trách móc hay hờn giận.
Đoàn Dũng là một trong những nghệ sĩ chịu khó phát ngôn về những vấn đề nóng, bức xúc trong nghề điện ảnh, sân khấu. Gần 80 tuổi ông vẫn không ngại dự nhiều cuộc hội họp, đau đáu đóng góp ý kiến trong nghề. Tháng 4 vừa rồi ông còn ngồi ghế giám khảo Liên hoan Sân khấu toàn quốc tại TPHCM. Nhiều dịp phỏng vấn ông, ông luôn đưa ra những lí giải sâu sắc, có lúc chua ngoa nhưng hơn trên hết là cái nhìn hết sức khoan dung với lớp trẻ. Ông từng bảo “đừng vội phủ định mầm non mới hé lên, có thể giờ nó sai nhưng tương lai nó đúng”. Một nghệ sĩ gạo cội nhưng không tự mãn vì dặn dò học trò: đến chết vẫn phải tìm tòi mới là trọn vẹn.
Không chỉ là nghệ sĩ tài năng, Đoàn Dũng là người thầy tận tâm, mẫu mực. Từ năm 1996-2000, ông là Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TPHCM. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng phía Nam như Hồng Ánh, Lý Hùng, Quyền Linh, Ngọc Hiệp đều do ông dìu dắt. “Chú Đoàn Dũng là một trong những người không dạy nhưng tôi luôn coi là người thầy. Chú là nghệ sĩ có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ chúng tôi cả về tài năng lẫn đức độ. Cả đời ông sống đức độ nên các lứa nghệ sĩ trên dưới đều yêu quý, chưa thấy ai nói điều này điều nọ về ông”, NSƯT Trung Anh nói. NSND Đoàn Dũng rời Nhà hát kịch Việt Nam mấy chục năm nay, nhưng vẫn được các thế hệ diễn viên sau này quý trọng tấm lòng với nhà hát. Không riêng các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam, nhiều nghệ sĩ coi ông là tấm gương sáng về nghề nghiệp, đạo đức và thực sự là của hiếm.
NSND Ðoàn Dũng tên thật Nguyễn Anh Dũng, sinh 1939 tại Hà Nội, qua đời 8h45 sáng 17/9 sau ít ngày nằm viện vì nhiều bệnh trọng. Tang lễ NSND Ðoàn Dũng diễn ra từ sáng 18/9 tại Nhà tang lễ Lê Quý Ðôn, TPHCM. Lễ truy điệu sáng 19/9.