Kịch 'Thế sự': Dũng cảm chọn nhân vật gai góc

"Thế sự" chọn nhân vật nhiều tranh cãi Nguyễn Hữu Chỉnh làm trung tâm. Ảnh: Bảo Hân
"Thế sự" chọn nhân vật nhiều tranh cãi Nguyễn Hữu Chỉnh làm trung tâm. Ảnh: Bảo Hân
TPO - Nhà hát Kịch Việt Nam chọn đi tiếp dòng chảy dựng kịch lịch sử với “Thế sự” do NSND Anh Tú dàn dựng. Vở kịch xoay quanh Nguyễn Hữu Chỉnh-nhân vật lịch sử còn gây nhiều tranh cãi.

“Thế sự” do tác giả Lê Chí Trung viết từ nhiều năm trước. Đạo diễn NSND Anh Tú, Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bảo rằng hứng thú với nhân vật lịch sử và kịch bản này nên quyết định chọn dàn dựng.

Chọn một nhân vật tranh cãi, hẳn anh cân nhắc kỹ? Đạo diễn thừa nhận rất thận trọng. Nguyễn Hữu Chỉnh là vị tướng nổi danh thời Lê Trung Hưng tuy nhiên tới nay công tội vẫn bất phân. Sự khéo léo của cả tác giả và đạo diễn ở chỗ chọn được một lát cắt, góc nhìn bao quát về một con người với bối cảnh lịch sử đương thời.

Kịch 'Thế sự': Dũng cảm chọn nhân vật gai góc ảnh 1 Nguyễn Hữu Chỉnh đệ nhất phong lưu. Ảnh: Bảo Hân
Cảnh mở màn ma mị, ám ảnh với sự xuất hiện của đào hát điên dại bên nấm mộ hoang tàn của Nguyễn Hữu Chỉnh. Cách xử lý hình ảnh, ánh sáng, vũ đạo và âm nhạc mang tới cho người xem dự cảm đầy sóng gió của nhân vật chính. Nguyễn Hữu Chỉnh chiếm tới gần 1/3 dung lượng cuốn tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái. Điều đó chứng tỏ đây là nhân vật thú vị, nhiều ngóc ngách để khai thác.
Kịch 'Thế sự': Dũng cảm chọn nhân vật gai góc ảnh 2 Hữu Chỉnh chính là người se duyên cho Ngọc Hân công chúa và Nguyễn Huệ. Ảnh: Bảo Hân
Chẳng gì Nguyễn Hữu Chỉnh cũng từng là tướng tài từng vì kiêu binh nổi loạn mà bỏ chúa Trịnh chạy vào nam theo nhà Tây Sơn, giúp Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc Hà dẹp chúa Trịnh, rồi quân sư cho vua Lê Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ để lấy lòng. Cuối cùng Nguyễn Hữu Chỉnh bị chính tướng nhà Tây Sơn Võ Văn Nhậm giết hại dưới hình thức tứ mã phanh thây ở cổng thành Thăng Long.

Dù chọn nhân vật còn nhiều tranh cãi nhưng xem xong “Thế sự”, khán giả cảm nhận sự xót thương, cái nhìn thiện cảm hơn của những người sáng tạo dành cho Chỉnh. Đạo diễn Anh Tú gật đầu xác nhận điều này. “Thế sự” cũng là một hướng đi của những đạo diễn tâm huyết đề tài lịch sử-chọn khai thác những nhân vật lịch sử để khơi gợi cho lớp trẻ tìm hiểu sâu thêm về những nhân vật lịch sử nước Việt.

Kịch 'Thế sự': Dũng cảm chọn nhân vật gai góc ảnh 3 Yếu tố thời đại của vở "Thế sự" chính là góc nhìn bao quát về xã hội với những thân phận con người trong bối cảnh lịch sử ấy. Ảnh: Bảo Hân
Mặc những tội trạng còn đang tranh cãi trong sử sách như đệ nhất phong lưu-mê chọi gà, đàn ca hát xướng thâu đêm suốt sáng, cuộc sống vương giả hơn cả cung vua, phủ chúa- cao ngạo, có mưu đồ tạo phản xưng vương một cõi, nhưng biên kịch và đạo diễn nhìn ra ở Chỉnh chất kẻ sĩ Bắc Hà và hơn hết là nỗi niềm của những kẻ có chí lớn trong thời nhiễu nhương “vua không ra vua, chúa không ra chúa”.

Hơn một lần, đạo diễn để cho nhân vật nhắc lại lời thoại “tất cả cũng chỉ là những quân cờ trên bàn cờ thế sự” như thanh minh, biện giải cho bối cảnh xã hội của thời loạn. Bối cảnh nhiễu nhương ấy cũng góp phần đẩy con người tài hoa, một kẻ sĩ Bắc Hà vào con đường khiến nhiều bề oán ghét.

Kịch 'Thế sự': Dũng cảm chọn nhân vật gai góc ảnh 4 Nguyễn Hữu Chỉnh chết dưới tay Võ Văn Nhậm. Ảnh: Bảo Hân
Không gian chật hẹp ở rạp Nhà hát Kịch Việt Nam khiến bối cảnh của vở kịch lịch sử có phần bị bó buộc, tuy vậy ê kíp sáng tạo vẫn lấy cảm hứng từ quân cờ làm bối cảnh trang trí và đạo cụ phục vụ cho ý đồ xuyên suốt vở diễn. Cảnh xử tử Nguyễn Hữu Chỉnh táo bạo, ám ảnh khiến nhiều khán giả nữ quay mặt đi vì sợ hãi.

Không phải vở kịch lịch sử hoành tráng, nhưng đạo diễn đòi hỏi diễn viên “Thế sự” diễn xuất rất kỹ từ dáng điệu đi đứng, khẩu khí cho tới biểu cảm. Minh Hiếu (Nguyễn Hữu Chỉnh), Tạ Tuấn Minh (Nguyễn Huệ), Khuất Quỳnh Hoa (Ngọc Hân công chúa), Mai Nguyên (Đỗ Thế Long) và diễn viên trẻ trong vai đào hát Xuân nỗ lực tạo màu sắc riêng cho từng nhân vật.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.