Trống quân còn đâu thời 'đánh chết cũng đi hát'

Một buổi trình diễn hát trống quân tại Bảo tàng Hà Nội
Một buổi trình diễn hát trống quân tại Bảo tàng Hà Nội
TPO - Tại lễ tổng kết giai đoạn đầu dự án nghiên cứu và bảo vệ “Nghệ thuật trình diễn hát trống quân” ở Hà Nội, các chuyên gia đề xuất Hà Nội cần có nghị quyết, quyết tâm phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể độc đáo đang ở tình trạng mai một này.

Di sản phi vật thể này hầu như chỉ còn trong trí nhớ của một số ít nghệ nhân cao tuổi, nguy cơ mai một rất lớn. Các chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiến hành kiểm kê, ghi chép tư liệu tại ba huyện Thường Tín, Phúc Thọ, Phú Xuyên.

Ông Nguyễn Mạnh Tươi, Chủ nhiệm CLB hát trống quân Khánh Hà (Thường Tín) thừa nhận: “Lớp trẻ đang ngoảnh mặt với hát trống quân. Gần 10 năm chúng tôi mở lớp truyền dạy cho khoảng 100 cháu. Các cháu lớn lên, đi làm, lập gia đình ên bỏ hát gần hết. Đến nay khi Sở VH&TT Hà Nội hỗ trợ mở lớp, chỉ tìm được các kép nữ, không tìm được kép nam”.

Thực tế cho thấy đã qua thời “đánh chết cũng đi hát” như tâm sự của nghệ nhân hát trống quân Nguyễn Thị Vẫy (Khánh Hà, Thường Tín) ở thời 60 năm trước. Trong ký ức nhiều nghệ nhân, hát trống quân gắn liền với dịp tháng 8 âm lịch. Nam thanh nữ tú tụ họp, hát giao duyên. Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam cũng khoe biết hát trống quân. Ông kể, dịp Trung thu xưa, nam thanh nữ tú huyện Chương Mỹ cũng đốt đuốc ra bờ sông chơi, hát hết tháng 8 âm lịch.

Ông Nguyễn Đăng Mạc, Chủ tịch xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) khẳng định sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý văn hóa và nhà nghiên cứu để phục dựng cho bằng được di sản phi vật thể hát trống quân. Dù không thành di sản phổ biến như ca trù, chèo, quan họ nhưng loại hình này sẽ giúp giới trẻ hiểu thêm về truyền thống.

Trống quân còn đâu thời 'đánh chết cũng đi hát' ảnh 1

Ông cũng nói thêm, sau gần 7 tháng thực hiện dự án bảo vệ hát trống quân, lối hát này dần sống lại ở xã Hát môn. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Đà hứa, bảo tàng sẽ tạo đất diễn cho di sản này trong  những dịp quan trọng tại bảo tàng như tết trung thu, tết nguyên đán.

“Bây giờ mới khởi động dự án bảo tồn hát trống quân chưa phải là quá muộn”, bà Phạm Thị Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc nói. Sau dự án Nghiên cứu bảo vệ nghệ thuật trình diễn hát trong quân của Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội đang lên kế hoạch trình UBND Thành phố Hà Nội cho phép xây dựng một đề án toàn diện và “dài hơi” về bảo tồn hát trống quân giai đoạn 2016 – 2020. 

Hát trống quân nói chung và Hát trống quân tại ba huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ có từ rất lâu đời. Có nhiều giả thiết cho rằng hát trống quân có từ thế kỷ 13, khi nhà Trần đánh đuổi quân Nguyên. Có người lại nói Trống quân có từ thời Nguyễn Huệ khi đưa quân ra Bắc dẹp giặc Thanh (cuối thế kỷ 18).

MỚI - NÓNG