Trồng người nơi biên giới Việt - Lào

Lớp học ở thôn GLao.
Lớp học ở thôn GLao.
TPO - Ai từng đến xã biên giới Gari, Tây Giang, Quảng Nam mới cảm nhận được nỗi khó khăn, vất vả các các thầy cô giáo đang ngày đêm gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi đây.

Xã Gari cách Trung tâm huyện Tây Giang 60 km về phía Tây, cách TP Tam Kỳ, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam 240 km, nằm sát biên giới Việt – Lào.

Từ trung tâm huyện Tây Giang phải đi 40 km đường đất, nắng bụi mù mịt, mưa phải đi bộ vì đường dốc cao và quanh co trơn trượt. Xe đi một đoạn tự quay đầu hoặc trượt ngã, muốn đi phải bọc xích vào lốp xe (xích được nối từ những sợi sên máy của môtô để bọc quanh lốp xe làm tăng độ ma sát với mặt đường).

Tin, bài, ảnh, video cộng tác của bạn đọc, xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email: online@tienphong.vn

Xích có lẽ cũng là sáng kiến của giáo viên vùng cao nếu muốn đi xe máy khi trời mưa trên những đoạn đường này.

GLao là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Gari. Chúng tôi đến thăm thôn Glao trong một buổi chiều mưa, đường trơn trượt. Từ điểm trường xã, phải đi bộ gần một tiếng đồng hồ mới đến được điểm trường thôn GLao. Nơi đây, cô giáo Võ Thị Hằng Nga đang ngày đêm miệt mài cắm bản, với sự nghiệp trồng người ở vùng cao biên giới Việt – Lào này.

Cô Nga sinh năm 1988, quê xã Bình Phục, huyện Thăng Bình. Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm tiểu học năm 2011, cô tình nguyện lên công tác ở huyện biên giới Tây Giang- một trong 62 huyện nghèo nhất nước - và được phân công dạy ở điểm trường thôn GLao.

Nhớ lại những ngày băng rừng lội suối đến với trường TH Gari vào mùa mưa năm 2011, cô tâm sự: "Lúc đầu dù chưa biết xã Gari thế nào, chỉ nghe các anh chị đồng nghiệp đi trước kể lại, xã Gari xa và khó khăn lắm, phương tiện chủ yếu là … đi bộ, nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, em quyết tâm lên công tác ở đây".

Trồng người nơi biên giới Việt - Lào ảnh 1

Cô Nga trong trên đường vào thôn GLao.

Có lẽ khái niệm "lớp ghép" chỉ có ở giáo dục miền núi để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất thiếu thốn. Lớp học của cô Nga, giáo viên phải dạy 2 lớp, 2 trình độ. Lớp cô Nga dạy là lớp 1/3 và 2/3 với 11 học sinh, 7 em lớp 1 và 4 em lớp 2.

Hằng ngày, cô Nga phải ăn ở và giảng dạy trong một điểm trường tạm bợ, với những mái tôn cũ và mục nát, tường được ghép từ những mảnh ván đơn sơ.

Ông Hồ Xuân Danh, bí thư đảng ủy xã Gari, cho biết: “Đây là điểm trường khó khăn nhất của xã, phòng học và phòng ở của cô Nga nắng thấy mặt trời, mưa phải chắp vá mái nhà để tránh mưa nhỏ giọt. Tôi đã kiến nghị với các cấp cần sớm đầu tư xây dựng một điểm trường kiên cố ở đây”.

Với điều kiện như vậy nhưng đêm đêm cô Nga vẫn miệt mài bên trang giáo án, để ngày ngày đến với đàn em thơ của bản làng Cơ tu nơi đây.

Khi được hỏi vì sao không xin ra dạy ở điểm trường xã để đỡ phần nào khó khăn, cô Nga nói: “Lúc đầu mới vào đây, em cũng sợ lắm, không biết rồi mình sẽ ăn ở, sinh hoạt sao đây, nhưng dần dần rồi em cũng thấy thích nghi cuộc sống và cảm thấy yêu mến đồng bào ở bản làng. Mỗi khi ra trường xã họp hay về quê, em lại cảm thấy nhớ học sinh, nhớ bản làng ở đây. Các em và người dân của bản giờ đây đã trờ thành máu thịt trong em rồi…”

Thầy Trương Kim Hồng, Hiệu trưởng trường TH Gari nói rằng: “Cô Nga là một trong những giáo viên nghị lực và biết vượt qua khó khăn. Ở điểm trường xa xôi và khó khăn như vậy, nhưng cô vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm học 2012 - 2013, cô đạt danh hiệu Lao động tiên tiến”.

Ngoài việc giảng dạy, cô Nga còn tham gia tất cả các hoạt động của nhà trường. Trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, cứ mỗi buổi chiều, sau khi dạy hết buổi, cô phải đi bộ đến điểm trường xã tập luyện cầu lông, bóng chuyền để tham gia các hoạt động thể thao do công đoàn ngành giáo dục huyện Tây Giang tổ chức.

Tập luyện xong, cô lại đi bộ về điểm trường thôn của mình. Với lối sống vui vẻ hòa đồng, gần gũi với người dân của bản, cô luôn được bà con dân bản yêu mến.

Mỗi khi ở bản có hoạt động văn hóa, lễ hội hay săn được con nai, con thú, họ đều mời cô tham gia, sinh hoạt, nhảy tâng-tung da-dá (một điệu múa truyền thống của người Cơ-tu) bên chum rượu cần. Cô Nga giờ đã là một thành viên không thể thiếu của bản GLao này.

Lê Văn Chinh,
GV trường Trường PTDT BT THCS Nguyễn Bá Ngọc
Tây Giang, Quảng Nam

MỚI - NÓNG