Trồng cây “đặc sản” Hà Nội trước sân bay

Đường vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có hàng cây sấu tương tự như trên đường Phan Đình Phùng, Hà Nội. (Ảnh: Viết Thịnh)
Đường vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có hàng cây sấu tương tự như trên đường Phan Đình Phùng, Hà Nội. (Ảnh: Viết Thịnh)
Tuyến đường Trường Sơn dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rợp bóng sấu...Đề xuất này vừa được Sở GTVT TP.HCM đưa ra.

Sở GTVT TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP sớm có ý kiến về việc điều chỉnh loại cây trồng tạo bóng mát trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình) trong dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè các tuyến đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, Sở GTVT đề xuất trồng cây sấu - loại cây phổ biến ở phía Bắc và được trồng nhiều ở các tuyến đường của Hà Nội - thay vì trồng cây long não như dự kiến trước đó.

Cây thơm, dáng đẹp nhưng...

Cây long não được trồng ở nhiều tuyến đường của TP như Hoàng Hoa Thám, Vạn Kiếp, Võ Văn Kiệt, ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đặc biệt là trên tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi. Cây này được nhiều nước trong khu vực Đông Bắc Á chọn trồng trong đô thị vì có các ưu điểm như toàn thân chứa tinh dầu nên thanh lọc không khí rất tốt; dáng cây và tán lá đẹp... Vì vậy, phương án thiết kế cây xanh của dự án làm đẹp cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất đã chọn cây long não để trồng trên vỉa hè và trồng cây lim sét trên dải phân cách của trục đường Trường Sơn.

Tuy nhiên, Sở GTVT cho rằng những ưu điểm của cây long não chỉ có thể được phát huy đầy đủ nếu trồng ở nơi có không gian thông thoáng, ít bị xâm hại. Thực tế, cây long não trên trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi thường xuyên bị ngoại lực làm trầy xước, tróc vỏ cây nhưng vết thương khó lành nên để lại sẹo lớn.

Rễ cây lại nhạy cảm và kém phát triển khi đất bị ô nhiễm (nhiều người vẫn đổ nước rửa chén, nước lau nhà, thậm chí đổ acid vào gốc đầu độc cây) nên nhiều cây còi cọc, tán xấu. Sau đó nhiều cây bị chết, phải trồng mới nên không tương đồng về độ tuổi, kích thước. “Thực tế cho thấy hàng cây long não từ khi trồng đến nay đã nhiều năm vẫn chưa phát huy tốt tác dụng về cảnh quan và tạo bóng mát cho tuyến đường” - Sở GTVT đánh giá.

Từ hạn chế trên cùng với việc so sánh điều kiện vỉa hè của đường Trường Sơn, Sở GTVT cho rằng nếu trồng cây long não ở đây sẽ không đạt được mục tiêu tạo cảnh quan đẹp và bóng mát.

Giao lưu với “đặc sản” Hà Nội

Theo Sở GTVT, việc chọn chủng loại cây xanh nào thay thế cũng phải đáp ứng về điều kiện tự nhiên của TP cùng các yêu cầu chung của cây trồng trên đường phố (thân, cành không giòn, dễ gãy; dáng cây, tán lá hoặc hoa đẹp; hoa, lá, trái, mùi, nhựa không độc hại)... Trên cơ sở này, cùng với đảm bảo sự kết hợp giữa các vùng miền, Sở GTVT đề xuất chọn cây sấu (phổ biến ở Hà Nội) trồng kết hợp với cây lim sét (phổ biến ở TP.HCM) trên đường Trường Sơn.

Đề xuất này gây sự thú vị cho nhiều người, đặc biệt là những người ở Hà Nội hoặc đã từng đến, biết tới đặc sản của Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Thanh Kiều, người Hà Nội đang làm việc ở TP.HCM, cho biết trên nhiều tuyến đường của Hà Nội rợp bóng cây sấu. “Việc trồng cây sấu ở TP.HCM là rất thú vị nhưng liệu có phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu hay không” - bà Kiều băn khoăn.

Theo TS Trần Viết Mỹ, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp TP.HCM, cây sấu có hệ thống lá xanh, to và nhiều, đồng thời ở tầng thấp nên có tác dụng giữ khói bụi tốt từ nguồn ô nhiễm khói bụi của xe cộ, xây dựng… Ngoài ra, cây có tán rộng nhưng có độ dẻo cao, rễ cọc nên không phải lo về việc gãy đổ.

“Còn sự khác biệt về khí hậu, thời tiết cũng không ảnh hưởng đến mục tiêu tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường nếu trồng cây sấu. Điều này đã được chứng minh qua việc loài cây này được trồng ở Thảo Cầm Viên từ nhiều năm nay và phát triển tốt. Có điều những cây này không còn ra trái nữa” - TS Mỹ chia sẻ.

Theo Theo Pháp luật TPHCM
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.